08/04/2017 - 16:26

Chặng đường còn dài của cầu mây ĐBSCL

Giải vô địch các CLB Cầu mây toàn quốc 2017 do Cần Thơ đăng cai tổ chức vừa kết thúc vào tháng 3, quy tụ hầu hết các đội cầu mây mạnh của cả nước. Kết quả, 5 giải Nhất trong số 6 nội dung thi đấu thuộc về các đội phía Bắc, Vĩnh Long đoạt giải Nhất còn lại ở nội dung đôi nam. Nhìn chung, thành tích của đại diện các tỉnh thành ĐBSCL tại giải khá khiêm tốn, bởi có rất ít tỉnh, thành trong khu vực phát triển môn cầu mây.

Những cú xoay tròn đá cầu tấn công trên không rất mạnh của VĐV Vĩnh Long (phải) đã mang lại chức vô địch cho cầu mây Vĩnh Long nội dung đôi nam tại Giải vô địch các CLB Cầu mây toàn quốc 2017.

Tham gia giải, ĐBSCL có các CLB của Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Đây là những địa phương có đầu tư phát triển bộ môn cầu mây, nhưng thời gian chưa lâu. Mạnh và sớm nhất là Sóc Trăng (được gầy dựng từ năm 2002), hiện có đầy đủ các tuyến từ năng khiếu đến đội tuyển của cả nam lẫn nữ, với hơn 40 VĐV. Các VĐV cầu mây Sóc Trăng cũng từng vô địch nội dung đội tuyển 3 nam liên tiếp 3 năm liền, từ 2014 đến 2016. Tuy nhiên, năm nay, 1 VĐV trụ cột nghỉ thi đấu, nên đội cầu mây Sóc Trăng chỉ giành được 2 giải Nhì (nội dung 4 nam và 3 nam) và 1 giải Ba (đôi nam) mà không có giải Nhất nào.

Non trẻ nhất có lẽ là đội cầu mây Cần Thơ khi thành lập đội nữ vào năm 2013. Đến nay, cầu mây Cần Thơ cũng chỉ có 8 VĐV nữ ở 2 đội năng khiếu và trẻ. Lực lượng mỏng và thiếu kinh nghiệm thi đấu, các VĐV nữ của Cần Thơ chỉ giữ được thành tích 1 giải Ba (nội dung đôi nữ) như năm trước.

Được thành lập sớm hơn Cần Thơ vài năm, cầu mây Vĩnh Long đang có những bước phát triển vượt bậc, với 14 VĐV trẻ tiềm năng (4 nữ). Ngoài đoạt giải Nhất duy nhất cho khu vực ĐBSCL tại Giải vô địch các CLB Cầu mây toàn quốc 2017, Vĩnh Long còn đoạt giải Ba nội dung tuyển 3 nam. Đây là sự tiến bộ được dự đoán trước của các VĐV Vĩnh Long khi họ từng giành 3 HCV ở các giải trẻ năm 2015 và 2016.

Đồng Tháp trắng tay ở giải đấu năm nay cũng không gây ngạc nhiên, vì cầu mây chỉ được tỉnh đầu tư vài năm qua và các VĐV tham dự giải với mục đích cọ xát, học hỏi kinh nghiệm.

Các nhà chuyên môn cho rằng việc các đội cầu mây ĐBSCL chưa thể có vị trí vững chắc tại các giải quốc gia, bởi cầu mây chưa phát triển thực sự ở khu vực. HLV đội cầu mây Vĩnh Long Liêu Bá Tùng, từng thi đấu ở đội tuyển quốc gia 10 năm (2003-2013), cho biết: "Trước đây, phía Nam chỉ có TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, rồi đến năm 2002 mới có thêm Sóc Trăng chơi bộ môn này. Hiện tại, ĐBSCL cũng chỉ có 5 địa phương đầu tư, mà chủ yếu mới gầy dựng các tuyến trẻ, nên khó cạnh tranh". Trong khi đó, phong trào cầu mây cũng chưa phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL. Theo HLV Tùng, môn thể thao này không đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư, nhưng chưa phổ biến vì đòi hỏi kỹ thuật và tập luyện kỳ công, từ động tác khống chế quả cầu, đến việc từng vị trí phải được chuyên sâu.

HLV Dương Hoài Tâm của đội cầu mây Sóc Trăng cho rằng trình độ kỹ thuật của các VĐV ở khu vực ĐBSCL không kém mặt bằng chung toàn quốc, nhưng kém kinh nghiệm thi đấu. Các VĐV của địa phương khác được đi tập huấn nhiều, kể cả ra nước ngoài nên luôn giành chiến thắng trong những thời điểm so kè, căng thẳng. Cầu mây ở ĐBSCL còn nhiều tiềm năng và sẽ phát triển mạnh khi được đầu tư.

Để phát triển cầu mây ở ĐBSCL, các nhà chuyên môn đều cho rằng vấn đề quan trọng là phải phát triển được phong trào, tạo sân chơi trong trường học và tổ chức nhiều giải cầu mây ở khu vực. Chỉ có như thế, các đội cầu mây ĐBSCL mới hy vọng rút ngắn khoảng cách thành tích trong các giải đấu toàn quốc.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết