18/10/2009 - 21:16

Cây xanh trên đường phố
Đang bị xâm hại nghiêm trọng

Cây xanh bị treo đầy bảng hiệu, chết khô tại Trung tâm Thương mại Cái Khế. (Ảnh chụp lúc 17 giờ ngày 11-10-2009).

Hầu hết vỉa hè các tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ đều được trồng cây xanh, với nhiều chủng loại khác như: cây sao, bằng lăng, me, dầu... Thời gian qua, công tác bảo dưỡng, chăm sóc được đơn vị quản lý đặc biệt quan tâm, nhằm tạo môi trường trong sạch và mỹ quan đường phố. Tuy nhiên, gần đây nhiều loại cây xanh trên đường phố đã và đang bị xâm hại, chặt phá dẫn đến chết khô trên vỉa hè. Điều này cảnh báo nguy cơ môi trường thành phố, cảnh quan đô thị sẽ bị xuống cấp...

* “HÀNH HẠ” CÂY XANH

Cuối buổi chiều một ngày đầu tháng 9-2009, chúng tôi dạo một vòng tại Trung tâm Thương mại Cái Khế và chứng kiến ngay hình ảnh một xe bán đồ nhậu trên vỉa hè đường Trần Văn Khéo, trước nhà lồng 1 (Trung tâm Thương Mại Cái Khế) đang bày ra những cái bàn nhựa nhỏ đặt trên vỉa hè. Cặp theo chiếc xe này là những cái bếp than (nấu lẩu) đỏ rực lửa được để dưới một gốc cây diếc, cao khoảng 3m. Người đàn ông cầm quạt, quạt mạnh vào các bếp để than (củi) bắt lửa, cháy nhanh hơn. Chúng tôi quan sát tán cây và cũng không gì ngạc nhiên khi thấy thân cây xơ xác, các cành khẳng khiu, lác đác vài chiếc lá đeo bám trên cành. Anh N.V.T, một người dân địa phương, nói: “Việc đốt lửa dưới các gốc cây trên vỉa hè như thế này diễn ra nhiều nơi và thời gian kéo dài lâu rồi, nhưng không thấy chính quyền địa phương hay ngành chức năng đến nhắc nhở, xử lý. Chúng tôi thấy hành vi này cũng bức xúc nhưng cũng không dám nói...”.

Bước tới bên hông nhà lồng 1, Trung tâm Thương mại Cái Khế, chúng tôi thấy một cây xanh chết khô, trên thân cây còn treo nhiều bảng quảng cáo, chổi quét đường, vải lau... Còn ở Khu nhà lồng bán hàng ăn uống, dưới gốc cây xanh chứa đầy bã trà, cà phê, than đá, vỏ dừa... Một số cây bị chặt cành, chết khô, chết đứng.

Những hình ảnh trên là những bằng chứng cho thấy cây xanh đô thị đang hứng chịu sự hành hạ, ngược đãi từ con người. Để bảo vệ cây xanh, UBND TP Cần Thơ đã ban hành nhiều quy định xử lý nghiêm việc xâm hại cây xanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cây xanh luôn bị xâm hại, nhiều hộ dân vì lợi ích cá nhân đã thản nhiên chặt cành, bẻ nhánh, thậm chí “thủ tiêu” nó bằng nhiều cách. Theo Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, thời gian gần đây, một số tuyến đường có cây xanh bị xâm hại như: Đồng Khởi, 30 Tháng 4, quốc lộ 91B, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi... Điển hình trên đường 30 Tháng 4 được trồng cây me trên vỉa hè, nhưng ở đoạn đường thuộc phường Xuân Khánh (gần ngã ba Dưỡng Lão) có 1 cây me phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Nguyên nhân, hễ cây trồng xuống thì bị chết, không phát triển được, vì người dân cố ý xâm hại cây để mở rộng diện tích sử dụng vỉa hè. Ở đường Đồng Khởi (phường Tân An), quốc lộ 91B, Nguyễn Văn Cừ có trường hợp người dân trong quá trình buôn bán đã thải chất thải, nước thải, đóng đinh trên thân cây để gắn bảng quảng cáo, treo vật dụng, gắn lều hoặc đặt bếp lò... làm hại cây xanh, hậu quả khiến cây chết khô...

“Chúng tôi vừa lập biên bản một trường hợp người dân xây dựng nhà đã tự ý chặt đọt và làm chết cây sao (cao khoảng 10m) trên đường Nguyễn Trãi. Khi chúng tôi đến làm việc thì chủ nhà nhận sai sót và hứa khắc phục hậu quả. Hiện nay, chủ nhà đã trồng lại cây sao khác, ngay vị trí cây đã chết và hứa sẽ chăm sóc cây cẩn thận hơn”. Ông Trần Trọng Khôi, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho biết như thế.

Theo Xí nghiệp Công viên Cây xanh thuộc Công ty cổ phần Công trình đô thị TP Cần Thơ, vì muốn mặt tiền rộng, không bị che khuất bảng hiệu, cửa nhà... nhiều người xem cây xanh trước nhà như kẻ thù. Họ lén lút tìm đủ kiểu để hạ gục cây: tưới nước sôi, để lò than tổ ong gần gốc cây hoặc đào lỗ dưới gốc cây và đổ hóa chất cho cây chết dần... Ở nhiều con đường của TP Cần Thơ cũng xuất hiện tình trạng một số hộ dân buôn bán lấn chiếm vỉa hè hoặc khi xây dựng lấn chiếm thì nhiều cây xanh bị xâm hại cho đến khi chết đứng, chết khô. Khi đơn vị chức năng đến trồng cây con thay thế thì chẳng bao lâu cũng rụng lá trơ cành. Điều đó đã xảy ra ở một số tuyến đường 30 Tháng 4, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Cừ...

* CẦN LẮM SỰ CHUNG TAY BẢO VỆ

Theo quy định của Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị như sau: đô thị loại đặc biệt: 12-15 m2/người, đô thị loại 1 và loại 2: 10-12 m2/người... Cây xanh công cộng tại đô thị được phân thành 3 loại: cây xanh công viên, cây xanh vườn hoa và cây xanh đường phố.

TP Cần Thơ hiện có trên 7.000 cây xanh công cộng, tập trung chủ yếu tại quận Ninh Kiều. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh đô thị đạt khoảng 1,1m2/người (chỉ tính riêng quận Ninh Kiều), còn nếu chia ra toàn thành phố thì con số này rất thấp. Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải mang bản sắc địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Đồng thời, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đô thị; hạn chế làm hư hỏng công trình hạ tầng trên mặt đất, dưới mặt đất cũng như trên không...

Gần đây, việc chỉnh trang đô thị, trong đó việc trồng cây xanh được thành phố hết sức quan tâm, nhưng do quỹ đất hạn chế nên diện tích dành cho cây xanh chưa đạt tỷ lệ qui định, quy hoạch dễ thay đổi và diện tích được phủ cây xanh cũng thay đổi theo... Chẳng hạn ở các tuyến đường vỉa hè rộng phải được bố trí trồng cây sao, dầu; vỉa hè nhỏ hoặc những khu phố thương mại thì trồng cây kiểng để tránh che chắn bảng hiệu của người dân. Ở khu đô thị cũ khó có thể tăng diện tích trồng cây xanh, mà chủ yếu ở các khu đô thị mới, diện tích trồng cây xanh phải chiếm 12% diện tích quy hoạch mới đáp ứng nhu cầu cây xanh cho người dân ở đó. Ông Trần Trọng Khôi, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi vẫn giữ và đảm bảo công tác ký kết, hợp đồng cùng đơn vị chuyên môn để bảo dưỡng công viên cây xanh trên các tuyến đường thuộc quận Ninh Kiều; khảo sát, tận dụng các khoản đất trống trên các tuyến đường để trồng cây xanh. Đồng thời, phòng kết hợp cùng các cơ quan chức năng, UBND các phường tuyên truyền và vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ cây xanh đô thị. Song song đó, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi xâm hại cây xanh”.

Theo Xí nghiệp Công viên Cây xanh - Công ty cổ phần Công trình đô thị TP Cần Thơ, công tác trồng cây xanh công cộng đã được lãnh đạo thành phố quan tâm. Song, công tác này mới chỉ tập trung tại quận Ninh Kiều. Trong khi đó, tại các quận, huyện vùng ven, việc trồng cây xanh chỉ được thực hiện nhân các ngày lễ lớn, Tết trồng cây hằng năm... Do đó, gần đây công tác trồng cây xanh trên đường phố đã được UBND thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ và bảo vệ có hiệu quả hơn.

Hiện nay, ở một số tuyến đường, các loại cây không phù hợp như phượng, bàng, liêm xẹt... đang dần được thay thế bằng loại cây khác. Để thực hiện việc trồng thay thế và trồng thêm nhiều cây xanh, thành phố cần có nguồn kinh phí cho các quận, huyện duy trì phát triển “lá phổi xanh” của đô thị. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế và người dân tham gia trong công tác sản xuất, chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây xanh...

Cây xanh không chỉ có tác dụng lọc khí độc hại, cân bằng hệ sinh thái, tạo cảnh quan môi trường, mà còn góp phần tạo nét đặc trưng riêng của từng địa phương, bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị. Do đó, mọi hành vi xâm hại cây xanh trên đường phố, công viên phải được xử lý nghiêm. Để TP Cần Thơ trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh không chỉ cần sự chung tay bảo vệ, chăm sóc cây xanh của các ngành chức năng mà còn cần rất nhiều sự chung tay chăm sóc, giữ gìn cây xanh của mỗi người dân.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Ở khoản 1 và 2, Điều 31 thuộc Quyết định số 74/2006/QĐ-UBND ngày 3-11-2006 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ, nêu rõ: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có hành vi xâm hại đến công viên và hệ thống cây xanh, tùy theo mức độ gây thiệt hại thì phải bồi thường hay xử phạt theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý công viên, cây xanh hoặc cán bộ, công nhân viên trong ngành công viên cây xanh nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm vi phạm quy định về quản lý cây xanh, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân thì phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý theo quy định pháp luật.

Chia sẻ bài viết