05/03/2011 - 21:24

Cây xanh bị xâm hại

Rác thải, hàng quán mọc dưới các gốc cây tại Trung tâm Thương mại Cái Khế (đường Trần Văn Khéo, quận Ninh Kiều).

Là một trong năm đô thị loại I trực thuộc Trung ương, thời gian qua, việc chỉnh trang đô thị, đặc biệt là việc trồng và chăm sóc cây xanh được lãnh đạo và ngành chức năng của TP Cần Thơ hết sức quan tâm. Tuy nhiên, một số tuyến đường ở trung tâm thành phố cây xanh vẫn bị xâm hại...

Cây xanh ở TP Cần Thơ (gồm: sao, bằng lăng, dầu, phượng, me...) được trồng chủ yếu ở các tuyến đường lớn như: đường 30 Tháng 4, 3 Tháng 2, quốc lộ 91B, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi... thuộc quận Ninh Kiều. Những hàng cây xanh này không chỉ góp phần làm cho bầu không khí trong lành mà còn tạo nên vẻ mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, ngoài những cây phát triển tươi tốt, vẫn có những cây thấp bé, còi cọc, khô cành, trụi lá. Qua tìm hiểu, được biết, bên cạnh những cây chết do sâu bệnh, giông gió làm ngã đổ... cây xanh được trồng trên các tuyến đường ở TP Cần Thơ còn bị xâm hại...

Tại khu nhà lồng Trung tâm Thương mại Cái Khế (đường Ung Văn Khiêm, Trần Văn Khéo), không ít gốc cây sao trở thành nạn nhân của các hàng quán phục vụ ăn uống! Sức nóng của các lò than tổ ong, rác, nước thải sau một ngày buôn bán người ta lại đổ trực tiếp xuống gốc làm nhiều cây bị chết cành, khẳng khiu, xơ xác. Những cây chết khô được các tiểu thương nơi đây tận dụng để treo vật dụng, bảng hiệu... Lẫn giữa những tán me trên đường 30 Tháng 4 là chằng chịt dây điện, dây cáp điện thoại. Trên đường 3 Tháng 2, nhiều cây sao bị người ta tỉa cành chỉ còn một “đốm xanh” trên ngọn. Theo người dân sống trên đoạn đường này cho biết, một số chủ nhà, công ty cảm thấy vướng trong quá trình sinh hoạt nên đã tỉa bớt cành. Nhiều cây xanh trên các tuyến đường trong nội ô thành phố (đường 30 Tháng 4, 3 Tháng 2, quốc lộ 91B...) trở thành “chỗ dựa” cho những bảng hiệu, panô, ápphích quảng cáo...

Bà Phạm Thị Bích Thuận, Giám đốc Xí nghiệp Công viên Cây xanh - Công ty TNHH MTV Công trình đô thị TP Cần Thơ, cho biết: “Do vỉa hè nhỏ hẹp, cây xanh trồng gần nhà dân, những loại cây lâu năm, cành cây lá rậm rạp che khuất ánh sáng vào nhà. Nhiều người dân còn sợ trộm leo vào nhà nên nhiều người đề nghị chúng tôi cắt bớt cành, số khác tự ý chặt cây...”. Hầu hết người dân đều hiểu vai trò, tầm quan trọng của cây xanh đối với cảnh quan và môi trường sống. Nhưng vào thời điểm “tấc đất là tấc vàng”, không muốn cây che khuất bảng hiệu và muốn mở rộng không gian để mua bán... nhiều người đã tìm mọi cách để triệt hạ cây xanh trước nhà mình. Cho dù được Xí nghiệp Công viên Cây xanh trồng đi trồng lại nhiều lần, nhưng cây xanh trên các tuyến đường trong nội thành phố khó có thể tồn tại đồng đều. Những cây sống được phải tốn nhiều thời gian và công chăm sóc mới có thể bắt kịp những cây khác. Bà Phạm Thị Bích Thuận cho biết thêm: “Đơn vị chúng tôi được thuê trồng, chăm sóc, bảo dưỡng các loại cây nên khi có vấn đề phát sinh chúng tôi chỉ có nhiệm vụ báo cáo lên Phòng Quản lý đô thị quận chứ không có quyền xử lý. Thông thường khi phát hiện cây xanh bị xâm hại, chúng tôi phối hợp với Phòng Quản lý đô thị quận và UBND phường lập biên bản, vận động, nhắc nhở... người dân không tái phạm”.

Những năm qua, việc trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, đặc biệt những khu đô thị mới. Quá trình chọn giống, vị trí trồng cây được tính toán kỹ lưỡng (vỉa hè rộng trồng các cây lâu năm; vỉa hè hẹp, khu mua bán... ưu tiên trồng các loại cây tán nhỏ) nhằm hạn chế công chăm sóc, không cản trở giao thông hoặc ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân... Tuy nhiên, để “lá phổi xanh” của TP Cần Thơ phát triển một cách bền vững, còn cần có sự chung tay của người dân trong việc trồng và bảo vệ các loại cây. Bảo vệ cây xanh không những có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa tạo môi trường sống tốt hơn với từng người, từng nhà. Có như thế thì TP Cần Thơ mới trở thành đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết