21/10/2013 - 21:28

Cây keo lai: Cứu cánh của vùng U Minh Hạ

Loại cây lâm nghiệp này được trồng ở Cà Mau vài năm gần đây. Từ đầu tháng 10 này, giá keo lai nguyên liệu mua vào từ 1.000-1.200 đồng/kg (tuổi gỗ), đó là chưa kể phụ phẩm từ keo lai (cành, ngọn, rễ…) được mua với giá 400-500 đồng/kg.

* Hiệu quả bước đầu từ cây keo lai

Theo ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế biến gỗ Khánh An (Cà Mau), mức giá trên tăng từ 100-200 đồng/kg so với trước, nhưng vẫn thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Đây cũng là đơn vị có nhà máy chế biến gỗ từ keo lai và các phụ phẩm từ keo lai duy nhất và lớn nhất ở Cà Mau…

Năm 2009, tỉnh Cà Mau được sự chấp thuận từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép bổ sung thêm cây keo lai được trồng ở rừng sản xuất lâm phần rừng tràm. Từ đó, tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp, các doanh nghiệp thuê đất và các hộ gia đình trên lâm phần trồng keo lai nhằm rút ngắn chu kỳ thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho hay, đến nay có trên 4.000ha keo lai được trồng ở lâm phần rừng tràm, nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (trên 1.000ha), kế đó là các đơn vị công ty và doanh nghiệp hợp đồng thuê đất trồng rừng, hộ liên doanh liên kết nhận khoán đất rừng... Sau một thời gian trồng, một vài nơi đã thu hoạch keo lai chu kỳ thứ nhất, hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này vượt trội so với trồng tràm thâm canh và quảng canh. Như tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, vài thửa trồng keo lai ở liên tiểu khu 30-4 đã thu hoạch, mỗi héc-ta sau khi khai thác, trừ tất cả các khoản chi phí còn lời trên dưới 100 triệu đồng.

Sau khi trồng 5 năm, người trồng keo lai ở xã Khánh Thuận thu lời khoảng 150 triệu đồng/ha.

Anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: Keo lai trồng chỉ 4-5 năm thu hoạch, mỗi héc-ta cho sản lượng từ 250-300m3 gỗ (khoảng 800kg/m3 gỗ). Giá bán tính tròn số 1.000 đồng/kg, bình quân mỗi héc-ta cho tổng thu khoảng 200 triệu. Trong khi đó, chi phí đầu tư kê liếp khoảng 30-60 triệu đồng/ha, trừ tiền cây giống, chăm sóc… bình quân mỗi héc-ta còn lời hơn 100 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế thiết thực của keo lai nên gần đây, nhiều hộ lâm phần rừng tràm U Minh hạ đẩy mạnh trồng keo lai trên diện tích rừng đã khai thác, một số đã được 2 năm tuổi. Trong khi keo lai chưa đến chu kỳ khai thác thì thương lái ngoài tỉnh đổ ghe lớn xuống các sông chính cặp bìa rừng ở Cà Mau thu mua ráo riết khiến "rừng keo" ở Cà Mau cung không đủ cầu. Dân bám rừng thì tiếc rẻ vì thời cơ làm giàu chưa tới lượt mình, nếu được cho trồng keo lai sớm hơn thì giờ này đã là triệu phú…

Trước đó, dự án trồng keo lai ở Cà Mau có thời điểm từng bị "phá sản". Mãi đến năm 2009 mới được tái khởi động nhưng vẫn còn một số ý kiến "bàn ra bàn vô". Đầu tháng 10-2013, lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau cùng đoàn cán bộ nguyên là lãnh đạo và một số lãnh đạo tỉnh đương nhiệm tham quan rừng tràm, tham quan một số nơi trồng keo lai. Mục đích chính của chuyến đi nhằm tham khảo ý kiến nên hay không nên trồng keo lai hay trồng loại cây lâm nghiệp nào hiệu quả nhưng chu kỳ thu hoạch không dài đằng đẵng như cây tràm. Qua đó cũng nhằm góp phần "cởi trói cho rừng tràm" U Minh hạ, giúp cư dân nhận đất trồng rừng và giữ rừng sống được với rừng, có cuộc sống ổn định hơn. Sau chuyến tham quan, cả đoàn có buổi ngồi lại bàn bạc và đa phần ý kiến ủng hộ trồng keo lai.

Chú Bảy Trị (Phạm Thạnh Trị)- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Đừng "thành kiến" với keo lai như trước vì Cà Mau đã có nhà máy công suất lớn, không lo đầu ra bấp bênh như tràm. Thực tế tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ đã chứng minh, chỉ 4-5 năm trồng keo lai mà lợi nhuận hơn 3 lần tràm quảng canh, hơn 2 lần tràm thâm canh. Hiệu quả như vậy còn gì phải đắn đo với cây keo lai.

Chú Ba Liêm (Trần Thanh Liêm)-nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng: Trồng cây lâm nghiệp nào cũng được, miễn sao đảm bảo phủ xanh rừng, hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn nhất mà không tàn phá môi trường thì nên mạnh dạn thực hiện để dân được nhờ, chớ bắt dân trồng tràm hoài mà sống khắc khổ quá thì người làm quản lý có lỗi với dân.

* Cân nhắc quy mô trồng và sản lượng chế biến

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, toàn lâm phần rừng tràm hơn 40.000ha, trong đó gần 80% là rừng kinh tế, được giao khoán cho doanh nghiệp, công ty và trên 5.000 hộ dân. Nói là rừng kinh tế, rừng sản xuất nhưng thực chất hiệu quả kinh tế từ cây tràm thấp hơn nhiều loại cây nông nghiệp khác. Một bài toán kinh tế trồng rừng đã được Sở NN&PTNT Cà Mau tính sơ bộ, nếu trồng tràm thâm canh (chiếm thiểu số), chi phí đầu tư kê liếp, tiền giống cho 1ha khoảng 13 triệu đồng, chu kỳ trồng từ 6-8 năm, khi thu hoạch sản lượng 120-150m3 gỗ, tổng thu nhập 1ha cây đứng khoảng 80-100 triệu đồng. Còn trồng tràm quảng canh (chiếm phần lớn loại hình trồng rừng sản xuất), 1ha chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng đầu tư ban đầu nhưng chu kỳ thu hoạch kéo dài từ 10-12 năm. Song, sản lượng sau khi thu hoạch chỉ chừng 60m3 gỗ, giá cây đứng (mua mão) chỉ khoảng 50 triệu đồng. Với loại hình trồng rừng này, sau khi trừ hết chi phí và ăn chia với chủ rừng, người rồng rừng không còn bao nhiêu.

"Tôi cho lời 30 triệu đồng, chia cho 10 năm, mỗi năm 1ha sinh lời có 3 triệu. Nếu phân ra 12 tháng trong năm thì người trồng tràm mỗi tháng thu nhập dưới ngưỡng nghèo. Để có cái ăn buộc dân phải bắt cá, đốn cây rừng, ăn ong làm cháy rừng, nghèo tài nguyên rừng nhưng đời sống bà con cũng không khá giả lên" - chú Ba Liêm phân tích. Theo chú Ba Liêm, gần 40 năm sau ngày giải phóng, cư dân gắn bó với rừng tràm, trồng tràm và giữ rừng nhưng cuộc sống vẫn như "tấm áo bên ngoài cây tràm", không bao giờ lành lặn...

Dù đã vô đây nhiều lần nhưng trở lại U Minh lần này, nhiều cán bộ hưu trí và cán bộ chủ chốt của Cà Mau đã thấy có sự hiện diện của loại cây lâm nghiệp mới-cây keo lai. Chúng được trồng trên những bờ liếp cao hơn liếp trồng tràm công nghiệp, đang phát triển xanh um. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, keo lai thuộc họ đậu, được lai từ keo tai tượng và keo lá tràm. Loại cây này phát triển nhanh, bộ rễ có nhiều nốt sần tác dụng cố định đạm và cải tạo, bảo vệ độ phì nhiêu cho đất. Một số hộ dân đang trồng keo lai cho rằng, ngoài giá trị cao hơn và nhanh lớn hơn tràm bản địa, keo lai còn có ưu thế là khó gây cháy rừng vì thân keo lai có nước nhiều, dưới rừng keo ít có thực bì, cây keo lại ít lá. Về lâu về dài, vẫn chưa có một nghiên cứu nào về hệ lụy của keo lai nhưng trước mắt, theo lời anh Trần Văn Hiếu, rừng keo lai không làm giảm sản lượng mật ong, cá đồng dưới chân rừng vẫn ngoe ngoẩy như hồi sống dưới tán rừng tràm.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết: Keo lai tạo nên đột phá trong cơ cấu sản xuất lâm nghiệp, cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, không chỉ rút ngắn chu kỳ kinh doanh, trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu khá cao mà còn góp phần cân bằng, làm phong phú thêm nguồn tài nguyên rừng U Minh hạ đang bị suy giảm. Thời gian tới, Cà Mau sẽ phát triển trồng keo lai ở những vùng thích hợp trên lâm phần rừng tràm gắn với chế biến lâm sản xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người trồng-giữ rừng tại địa phương. "Nếu phát triển keo lai dạng công nghiệp, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt nhất bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho chu kỳ 5 năm, thậm chí 10 năm vì 2 nhà máy chế biến gỗ keo lai và than viên nén từ phụ phẩm keo lai mỗi năm cần từ 2.500-3.000ha keo lai nguyên liệu. Sản phẩm của chúng tôi đã có nhiều hợp đồng dài hạn, cả xuất khẩu nên giá keo lai nguyên liệu sẽ ổn định" – ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế biến gỗ Khánh An, tỉnh Cà Mau, khẳng định.

Hiệu quả bước đầu đã khá rõ, về lâu về dài cần có những nghiên cứu thấu đáo hơn. Nhưng người dân ở lâm phần rừng tràm biết "chắc cú" một điều rằng, tới đây họ không còn bị bó buộc phải gắn bó duy nhất với cây tràm.

Bài, ảnh: Hữu Tùng

 

Chia sẻ bài viết