08/06/2018 - 21:35

Cầu nối hội nhập cho văn hóa Cần Thơ 

Hiện nay, ngoài Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ và Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ còn có lực lượng biểu diễn nghệ thuật ngoài công lập hoạt động khá mạnh. Lực lượng này như “cánh tay nối dài”, góp phần tạo sức bật cho phong trào văn hóa - nghệ thuật và nối nhịp cầu hội nhập cho Cần Thơ trong hiện tại và tương lai.

Chương trình khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2018 do các diễn viên ngoài công lập biểu diễn. Ảnh: DUY KHÔI
Chương trình khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2018 do các diễn viên ngoài công lập biểu diễn. Ảnh: DUY KHÔI

Nở rộ

Ông Nguyễn Thanh Phú, quyền Trưởng Phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ hiện có khoảng 50 đơn vị, đội, nhóm… với trên 200 diễn viên quần chúng, hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, có khả năng tổ chức sự kiện, tham gia biểu diễn, phục vụ âm thanh, ánh sáng... cho các chương trình văn hóa, nghệ thuật. Lực lượng này hiện đang “ăn nên làm ra” bằng chính đam mê và nhiệt huyết của mình.

Đơn cử như vũ đoàn Hồng Anh (quận Cái Răng), từ một nhóm nhỏ nay đã trở thành vũ đoàn tên tuổi ở khu vực ĐBSCL. Vũ đoàn từng tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn của Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ… Thành viên của vũ đoàn đa phần là sinh viên, trẻ trung và đam mê với bộ môn múa. Đặc biệt, từ hoạt động của vũ đoàn, các sinh viên không những được học nghề mà còn có thêm thu nhập. Chị Lê Thị Hồng Phượng, đại diện Vũ đoàn Hồng Anh, cho biết thêm, tâm đắc của vũ đoàn là đã gầy dựng một lực lượng múa kế thừa đầy triển vọng cho Cần Thơ, góp phần cho phong trào văn hóa, nghệ thuật thành phố đi lên.

Hay tại Công ty Tây Đô Model (quận Ninh Kiều) chuyên đào tạo người mẫu nam, nữ, thiếu nhi tại Cần Thơ, hàng chục học trò từ công ty đã khẳng định được tên tuổi trong làng người mẫu, diễn viên điện ảnh… Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty tuyển chọn nhân sự từ các cuộc thi Sinh viên Thanh lịch, Nét đẹp học đường… tại TP Cần Thơ và lên kế hoạch đào tạo. Hiện, người mẫu của Tây Đô Model biểu diễn hầu khắp các chương trình thời trang ở Cần Thơ. Mới nhất là tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ vừa qua, chương trình biểu diễn của Tây Đô Model tạo được tiếng vang. Chị Dương Yến Ngọc, du khách, nói: “Các em thiếu nhi nhưng biểu diễn rất chuyên nghiệp, phong cách. Chương trình rất thú vị”.

Hay ở lĩnh vực “hậu đài”, nhiều công ty âm thanh, ánh sáng ra đời, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến giúp sân khấu trở thành “thánh đường nghệ thuật”. Công ty lắp đặt sân khấu Tân Tiên Phong (quận Cái Răng) là một ví dụ. Hiện công ty có thể lắp đặt màn hình led khổ lớn, kỹ thuật tách đôi màn hình led, nền kính… giúp sân khấu trở nên lung linh hơn. Ngoài Cần Thơ, Công ty Tân Tiên Phong còn thiết kế và lắp đặt các sân khấu hoành tráng tại Bạc Liêu, Kiên Giang…

Lĩnh vực hoạt động của các đơn vị khá đa dạng: biểu diễn, kịch, vũ đoàn, âm thanh ánh sáng, sân khấu… Sự “nở rộ” này giúp phong trào nghệ thuật Cần Thơ những năm gần đây thêm sôi nổi.

Tìm đường hội nhập

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã có buổi gặp gỡ các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngoài công lập. Những trăn trở nghề nghiệp nhằm tìm đường cho văn hóa Cần Thơ hội nhập được bày tỏ, sẻ chia.

Nhạc sĩ Võ Thế Nam, đại diện đội văn nghệ của Trường Đại học Cần Thơ băn khoăn về đầu ra cho tác phẩm nghệ thuật. Nhạc sĩ sau khi viết nhạc còn phải gửi hòa âm phối khí nhưng lại không có sân khấu biểu diễn khiến họ ngày càng ngại sáng tác. “Nhạc sĩ có bài hát nhưng không biết đưa cho ai, đưa đi đâu”, nhạc sĩ Thế Nam trăn trở. Cũng theo ông, là đơn vị tham gia biểu diễn định kỳ ở bến Ninh Kiều, việc khoán kinh phí 4 triệu đồng cho mỗi chương trình là điều rất khó bởi mỗi chương trình có ít nhất 20 nhân sự, rồi chi phí tập luyện, đạo cụ…

Tiếp nối câu chuyện này, biên đạo Lê Thanh cho biết Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều từng tham gia biểu diễn định kỳ ở bến Ninh Kiều nhưng rồi “bỏ cuộc” vì không thể bù lỗ mãi. Là người có thâm niên trên 40 năm hoạt động nghệ thuật ở Cần Thơ, bà Lê Thanh cho rằng chế độ đãi ngộ, thù lao chưa xứng tầm đã làm thui chột sự sáng tạo của nghệ sĩ. Biên đạo múa Lê Thanh mong muốn Cần Thơ có một mô hình nghệ thuật đường phố và sân khấu nghệ thuật xứng tầm để anh em có nơi làm nghề, phục vụ khán giả. “Cần Thơ chỉ có Nhà hát Tây Đô nhưng nói thật, chưa xứng tầm và đủ sức lôi kéo khán giả đến xem”, bà Lê Thanh thẳng thắn.

Tại buổi gặp mặt, nhiều đại biểu đều mong muốn Cần Thơ “có đất dụng võ” cho anh em làm nghề. Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Tây Đô Model, đặt vấn đề: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế… đều có chương trình tôn vinh trang phục truyền thống, tại sao Cần Thơ không có một sân khấu cho áo bà ba tỏa sáng? Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho biết, nếu tính cả các diễn viên, nghệ sĩ sinh hoạt tại các câu lạc bộ, tụ điểm ca nhạc… thì Cần Thơ có đến cả ngàn người. Tuy nhiên, thực trạng dễ thấy là họ hoạt động tự phát, nhỏ lẻ và đang cần một đơn vị tập hợp lại để nâng tầm vị thế nghệ thuật Cần Thơ. Qua những chương trình đã làm, như: Đại hội Thể dục thể thao TP Cần Thơ, khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ… cho thấy, một khi có vai trò của người tập hợp, các đơn vị ngoài công lập tụ họp đông đảo, phối hợp rất nhịp nhàng, hiệu quả.

* * *

Sẻ chia của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật chính là tâm huyết, với mong muốn văn hóa Cần Thơ hội nhập và phát triển. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, ghi nhận những tâm ý đó và cho biết sẽ sớm khắc phục để anh em hoạt động ngoài công lập an tâm làm nghề.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết