06/03/2016 - 16:38

Cấp thiết đầu tư hệ thống thủy lợi khu vực ĐBSCL

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, do yêu cầu về việc phát triển sản xuất nông nghiệp nên hệ thống thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xuống cấp, quá tải của nhiều công trình thủy lợi, nhất là các công trình đóng vai trò then chốt trong kiểm soát lũ sông Cửu Long cấp thiết phải được đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn.

ĐBSCL là phần cuối cùng của châu thổ sông Mê Công, gồm 13 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 79% diện tích toàn châu thổ và 5% diện tích toàn lưu vực sông Mê Công. Trong đó, phần vùng thủy lợi chia thành 5 vùng, 22 tiểu vùng và 120 khu vực thủy lợi. Các công trình phục vụ tưới tiêu có hơn 14 nghìn km kênh trục và kênh cấp một, 27 nghìn km kênh cấp hai và 954 cống lớn 28 nghìn cống, bọng nhỏ và hơn 2,9 nghìn trạm bơm điện. Riêng đối với các công trình phục vụ kiểm soát lũ có khoảng 31,6 nghìn km bờ bao chống lũ, 523km đê biển đã được đầu tư. Với hệ thống thủy lợi như trên, nhiều năm qua, sự quá tải của các công trình do việc mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ gây áp lực lớn đối với nhiều công trình. Ông Nguyễn Vinh Quang, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhìn nhận: Hiện trạng xuống cấp của nhiều công trình thủy lợi vùng ĐBSCL là đáng báo động. Thực tế, nhiều tỉnh, thành hầu như các công trình thủy lợi vẫn chưa có bước chuyển biến đáng kể trong việc phục vụ sản xuất lẫn đời sống nhân dân.

Hạn và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Theo đánh giá của Cục quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT về các dự án thủy lợi ĐBSCL trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 vùng tả sông Tiền, vấn đề lũ vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, một số diện tích lúa hè thu hằng năm vẫn thiếu nguồn nước tưới, vùng cây ăn trái có giá trị cao ven bờ sông Tiền vẫn còn thiệt hại lớn do thiếu nước. Hệ thống kênh trục cấp I, II nội đồng tương đối đủ về mật độ nhưng bị bồi lắng, chưa đảm bảo yêu cầu cung cấp nước tưới, tiêu lũ, tháo chua rửa phèn, cải tạo đất và môi trường sinh thái. Các vùng giáp nước, giáp triều chưa được giải quyết gây khó khăn cho việc tải lưu lượng nước của hệ thống kênh. Nhiều công trình kiểm soát mặn dọc sông Vàm Cỏ, sông Tiền tuy đã đề xuất xây dựng nhưng do đầu tư chưa đồng bộ hoặc thiếu nên chưa thể kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn triệt để. Hệ thống trạm bơm lớn cho vùng tả sông Tiền hầu như toàn bộ không hoạt động, hiệu quả rất thấp, chỉ khoảng 20% so thiết kế. Ngay vùng giữa sông Tiền, sông Hậu các kênh trục nối giữa hai sông tiến độ thực hiện quá chậm, hệ thống Ba Lai chưa đồng bộ nên phát huy hiệu quả thấp, kênh nội đồng yếu, vùng ven biển lại gặp khó trong cấp nước cả ngọt lẫn mặn. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến lộ khu vực Tứ giác Long Xuyên độ thông thủy hẹp, độ sâu dòng chảy nông, tổng khẩu độ thông thủy còn thiếu so với yêu cầu thoát lũ dẫn đến hiện tượng tích lũ cục bộ. Một số cửa biển chưa có cống như Vàm Răng, Tà Xăng, Tam Bản, Cái Sắn... nên mặn vẫn xâm nhập vào vùng rất lớn.

Đập Trà Sư đang xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1397 phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đi kèm quyết định là danh mục những công trình thủy lợi cần đầu tư dến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo là 171,7 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, do khả năng bố trí vốn của Chính phủ còn nhiều khó khăn nên những công trình theo danh mục được phê duyệt triển khai thi công chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nhiều công trình đã và đang xuống cấp nghiêm trọng như hai đập kiểm soát lũ Tha La, Trà Sư vẫn chưa thể xử lý. Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang nói: Hai đập Tha La và Trà Sư đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kiểm soát lũ ĐBSCL và nhất là nội đồng Tứ giác Long Xuyên nhưng đã bị thủng nhiều năm qua. Để khắc phục chỉ duy nhất là xây đập vĩnh cửu nhưng nguồn vốn không có nên cứ phải chắp vá và hai đập gồng mình thực hiện vai trò của mình.

ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn là sự phát triển của thượng lưu, đặc biệt là xây dựng các trạm thủy điện trên dòng chính Mê Công và biến đổi khí hậu nước biển dâng, đặc biệt là tình hình El Nino làm gia tăng xâm nhập mặn trên hệ thống kênh rạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội và nhất là diện tích trồng lúa. Thách thức an ninh lương thực là hiện hữu, do vậy, yêu cầu tiên quyết là tận dụng từ nhiều nguồn vốn nhằm đẩy nhanh việc triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi cho khu vực ĐBSCL không thể trì trệ thêm nữa.

Bài, ảnh: Nguyễn Huỳnh

Chia sẻ bài viết