25/07/2017 - 20:52

Cạnh tranh bằng sự khác biệt 

Những năm gần đây, của Việt Nam gặp không ít khó khăn do vướng phải nhiều rào cản về kỹ thuật, thương mại. Thực tế này buộc các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải trang bị những kiến thức về thị trường và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, để tăng giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh, DN cũng phải thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh và bảo vệ môi trường thông qua từng sản phẩm làm ra.

Trách nhiệm xã hội của DN, thương mại công bằng... đang là những tiêu chuẩn được đặt ra từ nhà nhập khẩu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Vườn trái Cửu Long, Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy.

Nhiều rào cản

Theo nhận định từ các chuyên gia, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều trở ngại do chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu. Thực tế, EU là thị trường lớn, đầy tiềm năng, đặc biệt đối với mặt hàng thủy hải sản. Song, đây cũng là thị trường khắt khe và từ chối nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn đưa ra. Hiện việc nhập khẩu nông sản của EU từ Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,8% và đa số là sản phẩm thô, có giá trị thấp. Sản phẩm xuất khẩu phần lớn là cà phê, chè, thủy hải sản, trái cây còn ngũ cốc, sản phẩm từ sữa, rau, thịt vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhưng phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật khắt khe từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hay quy định “phân tích mối nguy” trong việc tuân thủ quy trình HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn). Thị trường Hàn Quốc, Úc cũng yêu cầu thực hiện kiểm dịch trước khi nhập khẩu làm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Theo ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP (Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu), vấn đề lớn của sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam là chưa tiếp cận và chưa tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng. “Đơn cử như sản phẩm cà phê có nguồn gốc từ Việt Nam được sử dụng khá phổ biến tại châu Âu. Tuy nhiên, rất ít người biết họ đang dùng cà phê của Việt Nam. Mặt hàng thủy hải sản cũng chung tình trạng này. Không chỉ vậy, khi hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt sang châu Âu tạo nên hình ảnh xấu thì người ta lại lầm tưởng đó là hàng Việt Nam. Thực trạng nêu trên cho thấy sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam chưa tạo được điểm nhấn riêng và vấn đề truyền thông, quảng bá hình ảnh cho sản phẩm Việt còn yếu”- ông Claudio Dordi lưu ý.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, chia sẻ: “Tham gia vào thị trường xuất khẩu đòi hỏi DN phải tuân thủ các yêu cầu chung (rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật) và yêu cầu riêng (trách nhiệm xã hội, thương mại công bằng, đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường…). Những năm gần đây, những yêu cầu riêng lại càng được quan tâm. Đặc biệt là tại các quốc gia phát triển. Đó là những yêu cầu rất bình thường nhưng với họ thì vô cùng quan trọng và quyết định chọn nhập khẩu sản phẩm của ta hay không”. Xuất phát từ thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng được những yêu cầu của thị trường, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần trang bị những kiến thức về thị trường và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là cập nhật xu thế về các “tiêu chuẩn riêng”, thương mại công bằng, trách nhiệm xã hội của DN…

Điểm nhấn từ sự khác biệt

Theo ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP, mỗi DN xuất khẩu nên chọn và tuân thủ theo một “tiêu chuẩn riêng”. Bởi đây là điểm nhấn quan trọng để các nhà nhập khẩu chú ý đến sản phẩm. “Tiêu chuẩn riêng” thường nhắm đến lợi ích cộng đồng, người lao động và môi trường do các tổ chức phi Chính phủ lập ra và chứng nhận nên có độ tin cậy cao. Chẳng hạn, Hiệp định về may mặc và dệt may bền vững của Hà Lan gồm các tiêu chuẩn như: phân biệt đối xử và giới; lao động trẻ em, lao động cưỡng bức; tự do liên kết, an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc; ô nhiễm nguồn nước và sử dụng hóa chất, nước, năng lượng… Ông Claudio Dordi, cho biết: “Hiện tại, nhiều người dân châu Âu sẵn sàng chi trả với mức giá cao hơn cho các sản phẩm mà quá trình sản xuất ra sản phẩm đó DN thể hiện được trách nhiệm với xã hội và thân thiện với môi trường. Như vậy, nếu DN tuân thủ tốt các “tiêu chuẩn riêng” đồng nghĩa với việc DN đã tạo nên sự khác biệt và đó cũng là lợi thế cạnh tranh để DN tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu ”.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đề cập đến trách nhiệm xã hội của DN đối với sản phẩm được làm ra. Trách nhiệm xã hội của DN thể hiện ở các khía cạnh về kinh tế, tuân thủ pháp luật, đạo đức và từ thiện. “Đây là xu thế tất yếu mà DN phải hướng đến. DN muốn thành công phải biết tích hợp trách nhiệm xã hội vào hoạt động kinh doanh. Nếu DN làm tốt điều này sẽ kéo theo nhiều lợi ích như: có thêm đơn hàng, tiết kiệm chi phí hoạt động, nâng tầm ảnh hưởng của DN, tăng lòng trung thành của khách hàng, tạo sự khác biệt với đối thủ, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn…”. Song song đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, quy định và tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của DN; xây dựng cơ chế khuyến khích các sáng kiến về trách nhiệm xã hội của DN. Ngoài ra, các bên có liên quan cần phối hợp truyền thông về trách nhiệm xã hội đến các DN.

“Tính đến thời điểm này, tại Việt Nam có 28 công ty đạt được chứng nhận của Tổ chức Thương mại công bằng quốc tế (FLO) và có 8 công ty đạt được chứng nhận của Tổ chức Thương mại công bằng thế giới (WFTO). Năm 2016, tổng số tiền phúc lợi xã hội của 30 Tổ chức Thương mại công bằng tại Việt Nam là khoảng 1,2 triệu USD. Số tiền này phần lớn (75%) dùng để xây dựng nhà tình thương, điện, đường, trường trạm tại các địa phương gặp khó khăn. Còn lại là để mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm cho DN và nông dân”- ông Trần Ban Hùng, đại diện Thương mại công bằng tại Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Trần Ban Hùng, đại diện Thương mại công bằng tại Việt Nam, thương mại công bằng đã và đang được thế giới quan tâm. Bởi đây là phương thức tiếp cận kinh doanh và phát triển dựa trên đối thoại, tính minh bạch, sự tôn trọng và công bằng nhằm tạo ra môi trường công bằng hơn trong hệ thống thương mại quốc tế. “Để thúc đẩy thương mại công bằng tại Việt Nam, Nhà nước cần xây dựng chính sách cho nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến thông qua chính sách thuế, xuất nhập khẩu, cơ chế tài chính. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm và bền vững; nâng cao nhận thức về thương mại công bằng trong cộng đồng. Về phía người tiêu dùng có thể thúc đẩy thương mại công bằng thông qua mua và sử dụng sản phẩm thương mại công bằng; giới thiệu sản phẩm công bằng cho gia đình, bạn bè; tham gia các sự kiện về thương mại công bằng khi có điều kiện”- ông Trần Ban Hùng đề xuất. l

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết