22/10/2012 - 20:26

TUYỂN SINH NĂM 2012 Ở CÁC TRƯỜNG NGHỀ

Cảnh chợ chiều!

Giờ thực hành của thầy trò CEA. Ảnh: CTV

Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh 2012 ở các trường đại học (ĐH) gần như đã hoàn tất, trong khi đó, các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC), nghề ở TP Cần Thơ vẫn còn lao đao vì thiếu nguồn tuyển. Một số trường dù đã kết thúc công tác tuyển sinh nhưng vẫn có ngành không có người đăng ký học.

* Vắng thí sinh, đóng cửa ngành

Mặc dù đã dự báo trước tình hình tuyển sinh năm nay hết sức khó khăn nhưng các nhà quản lý giáo dục không ngờ tình trạng trên ở các trường CĐ, TC, nghề ở TP Cần Thơ diễn biến ngày càng bi đát. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ nghề Cần Thơ, cho biết: "Đến nay, trường đã kết thúc công tác tuyển sinh 2012, ở bậc CĐ nghề chính quy, trường tuyển sinh đạt 93,6% nhưng ở bậc TC nghề chỉ đạt 28,8% chỉ tiêu. Đáng buồn hơn là một số ngành CĐ buộc phải đóng cửa, vì không đủ số lượng sinh viên". Qua thống kê của Trường CĐ nghề Cần Thơ, trong số 15 ngành CĐ, có 4 ngành phải đóng cửa, gồm: Bảo trì thiết bị cơ điện, Hàn, May thời trang, Điện công nghiệp; còn bậc TC thì có các ngành: Kỹ thuật xây dựng, Tin học văn phòng, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí...

Tương tự, tại Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (CEA), tình hình tuyển sinh năm 2012 cũng chẳng mấy sáng sủa. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của trường là 500 sinh viên cho 5 ngành CĐ, nhưng đến nay chỉ có trên 100 sinh viên vào học. Bậc TC, trường có khoảng 400 học sinh trúng tuyển theo học, chiếm khoảng 50% so với chỉ tiêu tuyển sinh. Do vậy, tháng 10 này, trường tiếp tục thông báo tuyển sinh bổ sung 1.200 chỉ tiêu cho các ngành CĐ, CĐ liên thông, TC chuyên nghiệp năm 2012. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo của CEA, cho biết: "Đến cuối tháng 11-2012, trường mới kết thúc thời gian tuyển sinh bậc CĐ năm 2012. Tuy nhiên, chúng tôi lo nhất là các ngành: Chế biến thủy sản, Chăn nuôi - Dịch vụ thú y, Cắt gọt kim loại sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu".

Ngoài 2 trường CĐ trên, qua ghi nhận tại một số trường TC nghề trên địa bàn TP Cần Thơ, tình hình tuyển sinh không mấy khả quan. Theo ông Huỳnh Minh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường TC nghề Thới Lai, năm 2011, trường chỉ tuyển được 147 học sinh, chỉ gần 50% so với tổng chỉ tiêu. Năm 2012, do trường hoạt động ở cơ sở mới từ tháng 6-2012, tình hình tuyển sinh khá hơn, tuyển trên 60% chỉ tiêu nhưng vẫn còn một số ngành sẽ khó tuyển đủ như: Chế biến thủy sản, Chăn nuôi - thú y.

* Cần sự cộng hưởng...

Thời gian qua, các trường CĐ, TC, nghề dù nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề, tăng chỉ tiêu, đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo... để thu hút thí sinh nhưng "cảnh chợ chiều" vẫn xảy ra. Tình trạng đóng cửa một số ngành học đã xảy ra từ các kỳ tuyển sinh trước. Theo lãnh đạo CEA, những năm trước, các ngành: Hàn, Cắt gọt kim loại, Chế biến thủy sản không thể mở lớp vì không có người học. Vì thế, trường đã điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đưa chương trình giảng dạy ngành Hàn vào ngành Cắt gọt kim loại và ngược lại. Mặt khác, trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học sinh, nhưng vẫn không thể khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Hiệu trưởng CEA, cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa hợp lý, đầu tư dàn trải... Tuy nhiên, sâu xa nhất vẫn là tâm lý học sinh không "mặn mà" các ngành cơ khí, nông nghiệp, vì "ngán" học và khi ra trường làm việc vất vả. Còn theo ông Nguyễn Văn Đức, tâm lý của học sinh, phụ huynh vẫn thích vào học ĐH, CĐ rồi mới đến học TC nghề. Và khi không đậu ĐH, nhiều học sinh chấp nhận học TC, CĐ trong một trường ĐH bất kỳ nào đó, để mong có cơ hội liên thông đại học. Một nguyên nhân nữa khiến các trường CĐ, TC và trường nghề tuyển sinh "chật vật" là do những năm gần đây một số trường ĐH không chỉ tuyển sinh bậc ĐH, CĐ mà còn tuyển cả bậc TC. Ngoài việc lấy kết quả thi đại học để xét tuyển, các trường còn tuyển cả đối tượng tốt nghiệp THPT, thậm chí chưa tốt nghiệp THPT vào bậc TC. Sau khi tốt nghiệp TC, học sinh có thể liên thông lên CĐ (1,5 năm) hoặc đại học (3,5 năm). Ông Phạm Ngọc Tuấn nói: "Thành phố hiện có 21 trường ĐH, CĐ, TC có đào tạo bậc trung cấp, trong khi đó nguồn tuyển không tăng, tất yếu sẽ có trường tuyển sinh khó. Mặt khác, những ngành khó thu hút thí sinh (nông nghiệp, cơ khí), lại chưa có cơ chế chính sách ưu đãi đột phá. Học sinh trường nghề tốt nghiệp, khi đi làm, mức lương chưa tương xứng với năng lực".

Ngoài ra, các chính sách của Bộ GD&ĐT đưa ra trong kỳ tuyển sinh năm 2012 cũng góp phần đẩy các trường TC, trường nghề vào tình trạng "sống dở chết dở". Như quy định các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đến hết tháng 11-2012, điểm xét tuyển đợt sau không cao hơn đợt trước. Các trường TC dù cố gắng đến đâu, cũng chỉ còn cách ngồi chờ. Bộ GD&ĐT không cho phép các trường ĐH, học viện đào tạo TC nhưng sau đó lại đồng ý cho trường ĐH mở TC... Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, việc "tiền hậu bất nhất" của Bộ GD&ĐT khiến các trường TC, CĐ nghề tuyển sinh vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Để giúp các trường nghề tháo gỡ khó khăn, các nhà quản lý giáo dục cho rằng, các trường cần liên kết, hợp tác đào tạo để vừa chia sẻ nguồn lực, vừa tránh lãng phí trong đào tạo, đi đôi với việc đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh, giúp học sinh nhận biết ý nghĩa của việc học nghề... Và quan trọng hơn, đã đến lúc, cần có sự vào cuộc Bộ GD&ĐT cũng như các cơ quan chủ quản, nhằm tránh tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", trong những năm tới.

B.Kiên

Chia sẻ bài viết