18/09/2012 - 22:20

Phiên họp thứ 11 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cần xác định rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm về đất đai

* Nâng cao hiệu quả các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 11, sáng 18-9,Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Đoàn giám sát báo cáo về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.

Theo Báo cáo kết quả giám sát, từ năm 2003 đến năm 2010, trung bình hàng năm số đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai hàng năm chiếm gần 70%. Trong thời gian này, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài khiếu nại, tố cáo về đất đai, đạt 66,7%.

Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại tố cáo các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%). Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%. Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%. Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại tố cáo về đất đai có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức.

Thảo luận về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với nội dung của báo cáo. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp đề nghị Báo cáo cần làm rõ đối tượng, chủ thể giám sát. UBTVQH đánh giá, kết quả giám sát đã cho thấy, tình hình khiếu nại tố cáo về đất đai đang diễn ra rất nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực trong đời sống nhân dân. Kết quả này cũng đã phản ánh nhiều sai sót trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện...

* Chiều 18-9, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thảo luận về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 52), loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật sửa đổi chỉ nên quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác. Loại ý kiến thứ hai đề nghị để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cả nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú. Theo dự án luật, trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú. Mặt khác, việc công khai tại nơi cư trú cần phải được quy định rất chặt chẽ, tránh lạm dụng vào các mục đích tiêu cực. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá quy định như dự án luận vẫn còn mang tình hình thức. Đại biểu nhấn mạnh điều quan trọng trong kê khai tài sản là phải kiểm soát được nguồn thu nhập.

Quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 48), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành với nội dung dự án luật, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên. Qua tổng kết 05 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đi vào thực chất. Để khắc phục tình trạng này, trước mắt mở rộng từng bước về diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, nhưng quan trọng là phải có các biện pháp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả hơn, trách hình thức.

Về vai trò và trách nhiệm của báo chí, khoản 4, Điều 101 dự án luật quy định: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng". Một số ý kiến tán thành với cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng thì cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu. Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung phân tích, đánh giá về phạm vi sửa đổi, tính khả thi của dự án luật; quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng…

Quang Vũ- Quỳnh Hoa (TTXVN)

Chia sẻ bài viết