13/03/2017 - 20:53

Cẩn trọng với xương cá đâm thủng ống tiêu hóa

Cuối tháng 1-2017, một bệnh nhân nuốt phải xương cá sặc rằn dài 3cm, được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa quận Thốt Nốt phẫu thuật nội soi kịp thời. Đây là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân nuốt phải dị vật như: xương cá, tăm xỉa răng, răng giả…, ảnh hưởng đường tiêu hóa, nếu không được xử trí kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm độc, thậm chí tử vong.

 Bác sĩ BV Đa khoa quận Thốt Nốt thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật lấy xương cá.

Bệnh nhân N.V.Đ. (33 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ) đau bụng kèm sốt, nhập viện sáng 30-1-2017. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiều khả năng bị viêm ruột thừa, chỉ định mổ nội soi cấp cứu và phát hiện xương cá đâm thủng ruột. Anh Đ. cho biết, 2 ngày trước nhập viện, anh có ăn khô cá sặc rằn nhưng không hay bị hóc xương. Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Truyền, Trưởng khoa Ngoại BV Đa khoa quận Thốt Nốt, cho biết, đây là ca bệnh hy hữu, không hiểu sao xương cá dài khoảng 3cm lại đi qua thực quản, dạ dày, tá tràng trước khi xuống đến ruột thừa. Rất may là bệnh nhân đến BV sớm, được can thiệp điều trị kịp thời, nếu trễ, có thể gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc, dẫn tới tử vong.

Tại hội nghị nghiên cứu khoa học kỹ thuật BV Đại học Y Dược Cần Thơ lần thứ 1 đầu năm 2017, nhóm các bác sĩ: Mai Văn Đợi, Lê Quang Huy, Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Văn Năng, thuộc Trường Đại học Y Dược Cần Thơ báo cáo đề tài "Kết quả điều trị thủng ống tiêu hóa do xương cá", trên cơ sở hồi cứu 5 trường hợp nhập viện vì thủng tiêu hóa do xương cá được điều trị bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng. Theo các bác sĩ, trẻ em và người lớn nuốt các dị vật có thể gây thủng hoặc tắc ruột. Đa số trường hợp dị vật thường đi qua đường tiêu hóa an toàn, chỉ những dị vật sắc nhọn có thể gây thủng ruột và viêm phúc mạc. Các bác sĩ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán nguyên nhân của thủng ruột trước mổ.

Một trong những trường hợp nuốt dị vật xương cá được nhóm tác giả dẫn chứng là bệnh nhân Lê Văn M. (69 tuổi), nhập viện sau một ngày chịu đựng những cơn đau quặn liên tục vùng thượng vị. Bệnh nhân cho biết, mấy tháng trước, khi đang ăn cơm, ông có cảm giác đau và vướng ở cổ do xương cá, nên cố gắng nuốt nhiều cơm. Sau đó, bệnh nhân không còn cảm giác đau và vướng nên không đến cơ sở y tế khám bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân thường đau thượng vị khi nuốt thức ăn vào, và bệnh nhân uống thuốc giảm đau dạ dày. Qua nội soi thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị viêm xung huyết hang vị, hình ảnh CT scan cho thấy, một xương cá dài 4cm nằm vùng dưới gan được bao bọc bởi khối áp xe nằm bên ngoài lòng ruột.

Theo các bác sĩ, phần lớn dị vật đi qua đường tiêu hóa ra ngoài an toàn trong 1 tuần. Tuy nhiên, khoảng 1% các dị vật sắc nhọn như: kim, lưỡi lam, tăm xỉa răng, xương gà, xương thỏ, xương cá có thể xuyên qua thành ruột và gây viêm phúc mạc. Trong đó, xương cá chiếm gần 50% nguyên nhân gây thủng ruột non. Thủng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa. Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng, sốt và viêm phúc mạc khu trú. Ngoài ra, người bệnh còn gặp một số triệu chứng khác như: buồn nôn, ói, ói ra máu hoặc tiêu ra máu.

Điều trị dị vật đường tiêu hóa tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân, triệu chứng, loại dị vật, vị trí dị vật và biến chứng trên đường tiêu hóa. Các phương pháp điều trị gồm: bảo tồn, lấy dị vật qua nội soi đường tiêu hóa, nội soi ổ bụng hoặc mổ mở lấy dị vật. Những dị vật tù như: đồng tiền kẹt ở thực quản cần nội soi lấy ra ngay, vì nguy cơ hoại tử, thủng hoặc rò thực quản. Những dị vật sắc nhọn kẹt ở thực quản, dạ dày hoặc tá tràng, cần nội soi lấy ra ngay vì nguy cơ hoại tử, thủng thực quản… Thủng ruột do xương cá đòi hỏi phải mổ cấp cứu lấy dị vật, khâu lỗ thủng, cắt đoạn ruột non,… Mặc dù nội soi ổ bụng và lấy dị vật được thực hiện ở hầu hết trường hợp, tuy nhiên, ở những bệnh nhân đã phẫu thuật vùng bụng nhiều lần, nguy cơ dính ruột sẽ làm tăng tỷ lệ biến chứng trong mổ. Biến chứng liên quan thủng đường tiêu hóa do xương cá hơn 24% và tử vong là 6,5%. Nguyên nhân tử vong thường do suy đa cơ quan vì nhiễm trùng nặng, chẩn đoán và xử trí không kịp thời.

Từ thực tế điều trị các trường hợp nuốt dị vật, các bác sĩ khuyến cáo, khi ăn cá, nhất là những loại cá có nhiều xương nhỏ, xương ngạnh, phải thận trọng, loại bỏ hết xương trong thịt cá để tránh gặp phải những tai nạn hóc, nuốt xương vào bụng. Những trường hợp nghi ngờ nuốt dị vật nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm sức khỏe và tính mạng. 

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết