11/05/2016 - 20:59

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO VÙNG ĐBSCL:

CẦN THÚC “NHỊP TRỐNG” CẢI CÁCH

Chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL thời gian qua không ngừng nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Từ đó, những năm gần đây, kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vùng ĐBSCL đã đạt thành tích cao. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với nỗ lực, kỳ vọng của vùng…

*Nỗ lực nâng cao PCI

PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố từ năm 2005 trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (VNCI) nhằm giúp các địa phương đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác, có những cải thiện và cách làm sáng tạo để nâng cao thứ tự xếp hạng. PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực Hải quan của vùng ĐBSCL được đẩy mạnh, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Giao dịch tại Cục Hải quan TP Cần Thơ.

Kết quả điều tra PCI 2015 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 16,5 tỉ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (12%) so với mức đáy của năm 2012. PCI năm 2015 có sự tham gia của 10.158 doanh nghiệp dân doanh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và có hơn 10.000 doanh nghiệp đóng góp ý kiến mong muốn cải thiện tốt hơn về môi trường kinh doanh. Kết quả PCI tại ĐBSCL trong những năm trở lại đây đạt thành tích cao (năm 2011 tỉnh Long An đứng thứ 3 cả nước; năm 2012 tỉnh Đồng Tháp đứng đầu cả nước; năm 2013 tỉnh Kiên Giang đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL; năm 2014, 2015 tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 2 cả nước). Điểm đặc biệt của năm 2015, khu vực ĐBSCL có 7/10 chỉ số đứng đầu của cả nước. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: "Đạt được kết quả này là sự nỗ lực của lãnh đạo các địa phương trong công tác lãnh đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển kinh tế. Đây được xem là triển vọng tích cực để các nhà đầu tư tham khảo khi tìm hiểu về môi trường đầu tư của các địa phương vùng ĐBSCL".

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, khẳng định: "Đồng Tháp nỗ lực giảm 30% số buổi họp để lãnh đạo ngành, địa phương có thời gian đi cơ sở. Đồng thời, vận dụng linh hoạt những chính sách chưa rõ ràng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Nhờ cách làm như vậy nên trong 10 năm công bố PCI, tỉnh Đồng Tháp luôn đứng thứ hạng cao, ổn định trong top 10 qua nhiều năm". Bến Tre cũng là một tỉnh chịu nhiều "thiệt thòi" về điều kiện tự nhiên nhưng qua kết quả xếp hạng PCI trong 10 năm qua, chỉ số PCI của tỉnh Bến Tre luôn duy trì trong top khá – tốt. Ngay năm đầu tiên (2005) tỉnh xếp hạng 4/42 tỉnh, thành phố và năm 2015 PCI của tỉnh đã tăng 6 hạng (từ hạng 18 lên hạng 12), đạt ở mức tốt. Trong điều hành chính quyền, tỉnh Bến Tre tập trung xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, nhất là việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua đối thoại, họp mặt, gặp gỡ trực tiếp…; đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua của tỉnh đạt 7,3%/năm.

* Cần quyết tâm khắc phục hạn chế

Về những hạn chế của vùng ĐBSCL, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng: Kết quả hoạt động của khu vực dân doanh ở ĐBSCL thấp nhất so với các khu vực khác trong cả nước. Theo kết quả điều tra PCI 2015, tại vùng ĐBSCL, tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư tương đối tốt, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi tốt. Tuy nhiên, qui mô đầu tư trung bình của doanh nghiệp chỉ 13 tỉ đồng, tạo việc làm ít cho người lao động. Toàn khu vực này có 10,5 triệu lao động, tuy nhiên tỷ suất di cư của cả khu vực là 6,4%, mức cao nhất trong cả nước. Tính trung bình, cứ 607 người dân ở ĐBSCL mới có một doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ cả nước là 243 người. Điều này cho thấy người dân tại khu vực thiếu việc làm trầm trọng. Thực tế tại nhiều địa phương của vùng ĐBSCL, hầu hết các doanh nghiệp hiểu biết rất hạn chế về quá trình hội nhập quốc tế. Theo kết quả khảo sát của VCCI, với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gần 50% doanh nghiệp không quan tâm nhiều, 25% doanh nghiệp cho rằng lần đầu biết và chỉ 4% doanh nghiệp thực sự quan tâm. Đối với các hiệp định Việt Nam – EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN, chỉ có 1-2% doanh nghiệp trong khu vực cho biết đã tìm hiểu kỹ, phần lớn còn lại trả lời không biết, lần đầu tiên nghe nói, hay chỉ biết sơ sơ.

Bảng tiêu chí "Đồng Tháp đồng hành cùng doanh nghiệp" được Chính quyền tỉnh Đồng Tháp xây dựng nhằm để nâng cao PCI.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Ban Pháp chế VCCI, cho biết: Kết quả điều tra PCI 2015, có tới 12% doanh nghiệp tại ĐBSCL phải vay tín dụng đen, cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 6%. Theo đó, các doanh nghiệp này phải vay mức lãi suất trung bình hằng năm là 41%, cao hơn nhiều so với 8% từ ngân hàng. Có những doanh nghiệp phải vay với mức lãi tới 100%, thậm chí tới 120%. Với mức lãi vay như vậy doanh nghiệp khó có thể phát triển hay kinh doanh được". Ngay cả với tỉnh Đồng Tháp, tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng năm 2015 chỉ đạt 49%, thấp hơn so với 53% trung bình cả nước với thời hạn vay chỉ là 6 tháng, trong đó có đến 89% doanh nghiệp phải vay có thế chấp. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cả tỉnh hiện có 2.800 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm hơn 10% tổng vốn đầu tư toàn xã tỉnh, nộp 8% cho ngân sách nhà nước của địa phương. Điều này được xem là chưa tương xứng với những nỗ lực mà chính quyền Đồng Tháp đã thực hiện.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, bức xúc: "Mặc dù các địa phương trong vùng không ngừng xây dựng nhiều giải pháp cải cách hành chính nhưng những nỗ lực này vẫn không đủ để thu hút đầu tư. Bởi vì cản trở lớn nhất của vùng là cơ sở hạ tầng giao thông. Chẳng hạn từ TP Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh với khoảng 170km nhưng di chuyển phải mất khoảng 4 giờ đồng hồ, chưa kể những ngày kẹt xe, thời gian có thể kéo dài hơn. Do vậy, nếu địa phương có cố gắng, nỗ lực như thế nào đi nữa khi mà cơ sở hạ tầng đường sá không thuận lợi thì khó mà thu hút được nhà đầu tư đến với mình".

VCCI chọn màu xanh – biểu tượng Nhịp trống (Drum beat) trong bức tranh của Hoạ sĩ Henry Appiah người Ghana làm hình ảnh chủ đạo cho báo cáo và sự kiện công bố PCI năm 2015. Theo VCCI, việc sử dụng tiếng trống để thể hiện không khí gấp gáp, thúc giục các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng cải cách, đổi mới chất lượng điều hành, gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp. Trước hàng loạt các vấn đề mà vùng ĐBSCL đang phải đối mặt, như: biến đổi khí hậu, hạn mặn, hội nhập quốc tế, tình trạng di cư,... hơn lúc nào hết, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL cần phải tìm giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo các chuyên gia, "Nhịp trống" cải cách được xem là giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết