03/05/2023 - 07:53

Cần Thơ nỗ lực phát triển thương mại và dịch vụ 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Các tác động từ sức mua yếu và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nhiều nước trên thế giới bị giảm đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của ngành chức năng và sự nỗ lực vượt khó của người dân cùng các đơn vị và doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại nội địa của TP Cần Thơ vẫn duy trì được mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Mua bán hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Trong quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố ước thực hiện hơn 534 triệu USD, đạt 25,18% kế hoạch, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 129,888 triệu USD, đạt 25% kế hoạch, tăng 9,23% so với cùng kỳ năm trước. Về nội thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố ước thực hiện hơn 28.684 tỉ đồng, đạt 22,81% kế hoạch, tăng 13,42% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách đến tham quan du lịch tại thành phố ước đạt hơn 1,51 triệu lượt, đạt 29% kế hoạch, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.

Theo UBND TP Cần Thơ, tình hình kinh tế - xã hội thành phố trong quý I-2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, trong đó có thương mại và dịch vụ. Thành phố tiếp tục chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Tình hình xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi, giá lúa đông xuân 2022-2023 tăng cao. Tình hình cung ứng hàng hóa và các mặt hàng phục vụ người dân được đảm bảo, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Tổng sản phẩm trên địa bàn trong quý I-2023 ước tính tăng 4,02% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tình hình phát triển thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đáng chú ý, tình hình tiêu thụ và xuất khẩu nhiều loại nông sản tiếp tục không thuận lợi, thị trường sụt giảm do suy thoái. Giá nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Lãi suất tiền vay còn cao và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Các cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại - dịch vụ tại nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Trước thực tế trên, ngành Công Thương TP Cần Thơ cùng các ngành chức năng tại các quận, huyện trên địa bàn tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Quan tâm chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Theo ông Lê Phước Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, Phòng đã và đang tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ các hộ tiểu thương và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Quan tâm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tổ chức, sắp xếp lại các chợ để tạo thuận lợi cho việc mua bán của người dân và thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, nhất là thực hiện niêm yết giá các loại hàng hóa theo quy định và buôn bán đúng giá niêm yết.

Ông Nguyễn Hải Phong, Trưởng Phòng Kinh tế quận Ninh Kiều, cho biết: "Cùng với việc tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tới đây Ninh Kiều hiện đại hóa và phát triển đa dạng các hoạt động thương mại và dịch vụ, trong đó có phát triển chợ đêm và kinh tế đêm. Đề xuất, tham mưu các cấp lãnh đạo thực hiện quy hoạch, phát triển và quản lý chợ một cách bài bản, nề nếp, đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn giao thông và không để phát sinh chợ tự phát". Theo ông Phong, thương mại, dịch vụ là lĩnh vực kinh tế thế mạnh của quận nội ô Ninh Kiều. Thời gian qua, công tác phát triển thương mại và dịch vụ luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao của Quận ủy, UBND quận. Phòng kinh tế quận cũng kịp thời tham mưu lãnh đạo quận triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại, dịch vụ và tăng cường liên hệ, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại. Kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ, nhất là chợ đầu mối. Quan tâm quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của quận nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước…

Mua bán các loại rau, củ, quả tại Nhà lồng 3, Trung tâm thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.

Để phát triển lĩnh vực công thương và thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu Sở Công Thương TP Cần Thơ cùng các sở, ngành hữu quan thành phố và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Tập trung các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, khuyến mại và kích cầu để nâng cao giá trị thương mại. Tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố theo hướng hiện đại và Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu đến năm 2025. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tới đây cần tập trung đẩy nhanh các Dự án trọng điểm của Trung ương và của thành phố nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển công thương và kinh tế trên địa bàn. Đặc biệt là các dự án ngành công thương như Trung tâm thương mại dịch vụ ĐBSCL và chợ đầu mối nông - thủy sản, Trung tâm logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui, Dự án trung tâm logistics gắn với Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cụm năng lượng Ô Môn, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến, kết nối tiêu thụ với các tỉnh, khu vực để mở rộng thị trường tiêu thụ. Chú ý liên kết giữa các địa phương, liên kết ngành nhằm khôi phục và phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước để đa dạng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh và tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.

Chia sẻ bài viết