27/03/2024 - 00:01

Cần Thơ mang lời ca, điệu múa “Về với Điện Biên” 

Xác định ý nghĩa đặc biệt của Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn quốc kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ đã đầu tư chương trình dự thi ấn tượng, mang đậm bản sắc Tây Ðô. Lời ca, điệu múa từ quê hương “gạo trắng nước trong” sẽ góp vào bản hùng ca tự hào về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ có sự chuẩn bị chu đáo khi tham gia hội thi. 

Tiếng hát từ Tây Đô

Chương trình dự thi của đơn vị TP Cần Thơ do Ðội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ biểu diễn. Bám sát chủ đề hội thi là “Về với Ðiện Biên”, chương trình được xây dựng gồm 5 tiết mục, với các thể loại như tổ khúc, ca cảnh, ca múa, đơn ca, múa. Mỗi tiết mục được dàn dựng công phu, nghệ thuật và mang đậm bản sắc Cần Thơ.

Tiết mục tổ khúc “Giải phóng Ðiện Biên - Tướng Quân Võ Nguyên Giáp - Non sông gấm vóc” gây ấn tượng với người xem bởi sự hoành tráng, âm vang những giai điệu tự hào. “Giải phóng Ðiện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về. Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui. Bản mường xưa nương lúa mới trồng. Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa”, những giai điệu reo vui, làm nô nức lòng người được thể hiện bởi những chàng trai, cô gái Tây Ðô trong hình ảnh chiến sĩ Ðiện Biên và các cô gái miền Tây Bắc với trang phục truyền thống. Tiếp nối, những giai điệu ca ngợi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp được cất lên đầy tình cảm, khí thế.

Từ miền Tây sông nước, tiết mục ca cảnh “Tự hào kỳ tích Việt Nam” của tác giả Hoài Minh, do Nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng, Ngọc Vẹn và Tuyết Lan thể hiện, với những câu vọng cổ, ca tài tử ngọt ngào, chắc hẳn sẽ tạo ấn tượng với khán giả Tây Bắc. Tiết mục mở đầu bằng cảm nhận của thế hệ hôm nay về sự đổi thay, phát triển của quê hương, đất nước và giá trị của hòa bình. Từ đó, họ tri ân bao thế hệ cha ông đã hy sinh để bảo vệ non sông, trong đó có những chiến sĩ Ðiện Biên: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”, lòng ngút cao tự hào “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên! Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!” như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”.

Những tiết mục còn lại như bài múa “Chiến tuyến một thời”, đơn ca “Về Ðiện Biên” hay tốp ca múa “Gặp nhau nơi miền Tây Bắc” cũng là những điểm nhấn trong chương trình dự thi của đơn vị TP Cần Thơ. Ðiểm đáng chú ý là phần nhiều tác phẩm trong chương trình, cả cổ nhạc lẫn tân nhạc, đều được viết mới, của các tác giả như Hoài Minh, Hồ Hoàng, Tiến Mạnh. Phần hòa âm phối khí các tiết mục được trau chuốt kỹ, chất lượng. Dù diễn viên không quá nhiều nhưng đa phần đều đã có kinh nghiệm thi diễn nên làm chủ sân khấu, ca múa tốt, tạo được hiệu ứng với người xem.

“Về với Điện Biên”

Hội thi Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp tổ chức tại các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Ðiện Biên. Hội thi có chủ đề “Về với Ðiện Biên”, diễn ra từ ngày 26-3 đến 2-4-2024.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội thi được tổ chức nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Ðiện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ðồng thời, tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

Tham gia hội thi là các đội tuyên truyền lưu động thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nội dung hội thi khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; tôn vinh những thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh đã đạt được của đất nước, của địa phương nói chung và tỉnh Ðiện Biên nói riêng trong 70 năm qua. Ðồng thời, giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của địa phương. Theo đó, mỗi đơn vị xây dựng 1 chương trình nghệ thuật tổng hợp, có tính tuyên truyền và nghệ thuật cao, thời lượng tối đa 35 phút/chương trình.

Lễ xuất quân hội thi được tổ chức sáng 27-3 tại Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc. Các hoạt động tuyên truyền lưu động được tổ chức theo hai tuyến. Tuyến 1, trong các ngày từ 27 đến 31-3, các đoàn lưu diễn phục vụ nhân dân tại các địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Ðiện Biên. Ở tuyến 2, các đoàn lưu diễn phục vụ nhân dân tại các địa phương của TP Hà Nội, các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên. Ngày 1-4, các đoàn tập kết tại TP Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên, sau đó sẽ diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ hội thi như dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Ðền thờ Liệt sĩ Chiến trường Ðiện Biên Phủ; khai mạc triển lãm tranh cổ động tấm lớn; tham quan di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, diễu hành xe tuyên truyền cổ động. Hội thi sẽ được tổng kết và trao giải tối 2-4 tại Quảng trường 7 Tháng 5, TP Ðiện Biên Phủ.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết