08/04/2019 - 10:47

Cần Thơ hướng về Quốc Tổ 

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch (tức từ ngày 5- 4 đến ngày 14- 4) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các điểm vệ tinh tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cùng với tỉnh Nghệ An và tỉnh Sơn La, TP Cần Thơ vinh dự được chung tay góp sức cho Giỗ Tổ năm nay. Với niềm tự hào cũng như bày tỏ lòng thành của những người con đất phương Nam với Quốc Tổ, Cần Thơ chuẩn bị những “đặc sản” của xứ sở miệt vườn sông nước cho chuyến ra thăm đất Tổ.

Cần Thơ hướng về Quốc Tổ. 

Cất tiếng hát nơi đất Tổ

Những ngày đầu tháng 4-2019, đêm nào ở Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ cũng rộn ràng tiếng nhạc, lời ca. Các diễn viên đang tích cực tập luyện cho chuyến diễn phục vụ tại tỉnh Phú Thọ nhân Giỗ Tổ năm nay. Ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, cho biết: Đoàn nghệ sĩ đi Phú Thọ lần này có 41 người, đều là các nghệ sĩ, diễn viên gạo cội, có nhiều kinh nghiệm biểu diễn và được tập luyện kỹ nên khá an tâm. “Điều chúng tôi chú trọng cho chuyến đi nhiều ý nghĩa này là làm sao mang được nét đặc sắc của văn hóa Cần Thơ, văn hóa phương Nam ra đất Tổ ngàn năm”- ông Danh nói.

Đoàn nghệ sĩ của TP Cần Thơ sẽ tham gia 3 chương trình chính: Lễ khai mạc, lễ hội đường phố (cùng diễn ra vào mùng 8 tháng 3 âm lịch, nhằm 12-4) và chương trình nghệ thuật vào đêm mùng 9 tháng 3 âm lịch (nhằm ngày 13-4). Theo đó, lễ hội đường phố sẽ bắt đầu từ chập tối mùng 8 tháng 3 âm lịch, đoàn Cần Thơ tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên mảnh đất Chín Rồng với những chàng trai, cô gái xúng xính trang phục của dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm.

Tiếp đến, nam thanh nữ tú Cần Thơ xuất hiện với bộ “tứ tuyệt”: đàn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu. Việc giới thiệu bộ nhạc cụ tinh hoa này sẽ góp phần quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại- Đờn ca tài tử Nam bộ. Đây là cũng là lời mời gọi bạn bè muôn phương về với Cần Thơ tham dự Festival Đờn ca tài tử quốc gia vào năm 2020. Và trong đoàn người diễu hành của lễ hội đường phố, những nét đặc sắc của Cần Thơ với chợ nổi Cái Răng bồng bềnh sông nước, với bánh tét, bánh ít dâng tiến Quốc Tổ linh thiêng… sẽ được thể hiện sinh động, đặc sắc.

Trong lễ khai mạc ngay sau lễ hội đường phố, Cần Thơ sẽ góp 2 tiết mục là ca cảnh “Thưởng ngoạn điểm hẹn Cần Thơ” và ca khúc “Chiếc áo bà ba”. Soạn giả Hoài Minh, tác giả màn ca cảnh, cho biết: “Tiết mục này giới thiệu được những nét văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ, thể hiện bằng dân ca Nam bộ, nên sẽ tạo được điểm nhấn trong sự kiện trọng đại và giàu ý nghĩa này”.

Chương trình nghệ thuật đêm mùng 9 tháng 3 âm lịch của đoàn Cần Thơ có thời lượng khoảng 35 phút, gồm đủ các thể loại: ca, múa, đờn ca tài tử… Trong đó, những cung bậc bổng trầm của chữ Hò, chữ Xang trong tiếng đờn lời ca tài tử hứa hẹn sẽ là “đặc sản” riêng có của Cần Thơ tại Giỗ Tổ năm nay. Nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng, người sẽ ca bài “Hào khí cha ông” (theo thể điệu Liên Nam), chia sẻ: “Tôi đã ca bài này nhiều lần nhưng được ca ngay trên mảnh đất thiêng liêng ngàn năm sông núi mang đến cho tôi nhiều xúc cảm”.

Cần Thơ tri ân Quốc Tổ

Thể hiện lòng tri ân, tình cảm thiêng liêng với các Vua Hùng, ở Cần Thơ, nhiều đình, miếu dành riêng một gian trang trọng để kính thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Đặc biệt, năm 2007, lần đầu tiên Cần Thơ tổ chức Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, được nhân dân đồng tình. Từ đó đến nay đã 12 năm trôi qua, Lễ dâng hương hướng về Quốc Tổ trở thành sự kiện thường niên vào đêm mùng 9 tháng 3 âm lịch tại Cần Thơ. Mỗi dịp như thế, ngoài lãnh đạo thành phố, còn có rất đông bà con nhân dân đến để ngưỡng vọng Quốc Tổ, bày tỏ lòng thành của người Cần Thơ với Tiên Tổ Lạc Hồng.

Ngoài ra, tại một số ngôi đình làng ở Cần Thơ như đình Bình Thủy, đình Thới An, đình Thuận Hưng… mỗi dịp Giỗ Tổ đều tổ chức rất trang nghiêm, thành kính. Điều thú vị là các vị trong ban quý tế đình làng tổ chức Giỗ Tổ theo nghi thức cúng đình làng Nam bộ, có học trò lễ, có nhạc lễ, chiêng trống linh thiêng, trong khói nhang trầm mặc. Đó là tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” thật đáng trân quý. Ông Lê Văn Mười, Phó Ban Trị sự Di tích Quốc gia đình Bình Thủy, nói: “Chúng tôi xem Giỗ Tổ là một lễ nghi quan trọng và thường niên ở đình. Mỗi lần tổ chức đều rất long trọng, bà con dân làng dự rất đông”.

Là người nhiều năm liền gắn bó với Giỗ Tổ Hùng Vương ở Cần Thơ với vai trò là tổng đạo diễn, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng, đó là một sự kiện có ý nghĩa. Theo ông, Cần Thơ tổ chức buổi dâng hương hướng về Quốc Tổ ngoài ý nghĩa cao cả là bày tỏ tri ân công đức Tổ tiên, còn là dịp để gắn bó, kết nối khối đại đoàn kết ở Cần Thơ. “Một nén nhang thắp lên Quốc Tổ, mọi người thấy như xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn và nguyện lòng với Quốc Tổ cùng chung tay dựng xây quê hương đất nước đẹp giàu”, ông Nhâm Hùng lý giải.

Mỗi kỳ Giỗ Tổ, soạn giả Nhâm Hùng đều viết nên những kịch bản đặc sắc phương Nam. Ông tái hiện các tích truyện thời Hùng Vương như Thánh Gióng, Sự tích trái dưa hấu… bằng chập cải lương, rất mới lạ và hấp dẫn. Riêng với phần lễ, những sản vật nổi tiếng của Cần Thơ được chọn để dâng lên Quốc Tổ. Ngoài bánh tét, bánh ít truyền thống Nam bộ, mâm lễ vật cung tiến Hùng Vương còn có nếp ngon Cờ Đỏ, cơm rượu Trung Thạnh, dâu Hạ Châu Phong Điền, hủ tiếu Cái Răng, bánh tráng Thuận Hưng… Những mâm lễ vật tròn đầy lòng tôn kính, như lời tri ẩn Tổ tiên đã ban cho người Cần Thơ có những vụ mùa bội thu, cây trái oằn sai, ban cho tài hoa, trí tuệ để làm nên cốt cách Tây Đô hôm nay.

*  *  *

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

Năm nào cũng vậy, dù miền xuôi hay miền ngược, từ đất liền đến hải đảo xa xôi, cứ đến tháng Ba âm lịch, những người con đất Việt lại hướng về Phú Thọ- vùng đất thiêng của dân tộc, lại nhớ ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đất và người Cần Thơ cũng vậy, tự hào là con Lạc cháu Hồng, tự hào hai tiếng “đồng bào” ruột thịt, vinh dự xiết bao cho chuyến về lại cội nguồn, tham gia Giỗ Tổ lần này!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Quốc Tổ