Bài, ảnh: ANH KHOA
Tại Hội nghị về chuyển đổi số (CÐS) TP Cần Thơ vừa được UBND thành phố tổ chức, các chuyên gia tiếp tục đề xuất các giải pháp cụ thể CÐS cho Cần Thơ. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương quan tâm bố trí, phân bổ kinh phí triển khai các nhiệm vụ CÐS. Ðồng thời chọn những lĩnh vực ưu tiên thực hiện đẩy mạnh CÐS.
Chuyên gia đề xuất các giải pháp đẩy mạnh CÐS cho TP Cần Thơ.
Ðề xuất các giải pháp CÐS
TS Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia tư vấn CÐS đã đề xuất các giải pháp cụ thể về CÐS cho TP Cần Thơ. Trong đó nhấn mạnh chuyển các nguồn lực phân tán sang tập trung, tổ chức và khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên dữ liệu, phát triển, quản trị thống nhất tất cả các ứng dụng trong hệ thống. Theo đó, nền tảng CÐS thành phố là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Số hóa dữ liệu để CÐS: chuyển từ tổ chức cơ sở dữ liệu rời rạc sang tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất với dữ liệu lớn; chọn dữ liệu cần số hóa (nhất là trong quản lý nhà nước), đối tượng ưu tiên số hóa (người dân, doanh nghiệp, thửa đất, tài sản công…). Chuyên gia cũng đề xuất phân công các tiểu ban: xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; điều hành triển khai CÐS trên nền tảng số (mỗi tiểu ban cập nhật nội dung hoạt động hằng tuần, nêu rõ khó khăn cần hỗ trợ, hệ thống tự động cập nhật trạng thái CÐS TP Cần Thơ).
Giải pháp cụ thể về xây dựng chính quyền số TP Cần Thơ gồm: có chính sách CÐS (chính sách CÐS cho toàn thành phố, chính sách trong chính quyền số); hạ tầng số (kết nối, lưu trữ, dữ liệu ứng dụng, chính sách, nhân lực); nhận lực số (công chức có kỹ năng số, chuyên viên tham gia phát triển chính quyền số); dữ liệu số (dữ liệu số hóa, từ các ứng dụng và từ Internet of Things - IoT); ứng dụng số (dịch vụ công số, ứng dụng nghiệp vụ quản lý nhà nước). TP Cần Thơ cũng cần xây dựng các mô hình mẫu kinh tế số: trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, logistics… Xây dựng các mô hình mẫu xã hội số như thí điểm mô hình khu phố thông minh, mô hình nông thôn mới thông minh. Xây dựng đô thị thông minh trên các lĩnh vực giao thông thông minh, giám sát an ninh thông minh, hạ tầng thông minh, y tế thông minh, giáo dục đào tạo thông minh, quan trắc môi trường thông minh…
Nâng cao nhận thức về CÐS
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, ngành Công Thương đã xác định 3 nhóm cần chuyển đổi số là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Ngành Công Thương đã chủ động tham mưu UBND thành phố phối hợp với các đơn vị trên địa bàn và nhất là VNPT để có tư vấn CÐS ngành. Sở Công Thương rất mong tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, VNPT để thực hiện CÐS; cũng như nâng cao nhận thức, trình tự thực hiện CÐS đối với các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại, dịch vụ trong thời gian tới.
Ðến nay, trong lĩnh vực nông nghiệp đã có 2 kế hoạch của UBND TP Cần Thơ về CÐS, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp đến năm 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang chờ hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về CÐS nông nghiệp đến năm 2030 để đảm bảo tính đồng bộ khi thực hiện. Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện được một số nội dung như phối hợp với các địa phương, đặc biệt là cấp xã để xây dựng tổ CÐS cộng đồng làm nhân tố hướng dẫn nông dân, hợp tác xã sử dụng công nghệ số. Phòng nông nghiệp, phòng kinh tế cấp huyện quan tâm, tổ chức tổ tham mưu ứng dụng công nghệ số; ứng dụng công nghệ số vào một số hoạt động cụ thể như hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử... Ngoài ra, Sở còn phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân giới thiệu, bán hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Ngành Nông nghiệp cũng đã bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ số trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành; một số cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật được thực hiện với hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến trên các nền tảng internet. Sở còn phối hợp với một số đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT triển khai thử nghiệm một số nội dung về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi. Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư 2 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp để trình cấp thẩm quyền theo trình tự; đây là lĩnh vực rất mới nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Sở Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian còn lại của năm 2022, ngành sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm trong CÐS là đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ CÐS. Sở dự kiến phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đơn vị công nghệ thông tin tổ chức tập huấn chuyên sâu cho lực lượng các tổ CÐS cộng đồng, các lực lượng nòng cốt cơ sở các kỹ năng cơ bản về công nghệ số lĩnh trong vực nông nghiệp. Ðồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan tập trung hướng dẫn nông dân giới thiệu, bán hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử; triển khai thử nghiệm một số nội dung về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực nông nghiệp…
Theo ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Sở đã xác định CÐS mang tầm chiến lược cho ngành Y tế. Với tình hình tài chính có giới hạn, ngành Y tế có sự lựa chọn ưu tiên trong CÐS (công tác khám chữa bệnh cần kết nối dữ liệu, mảng dự phòng, giáo dục truyền thông nâng cao sức khỏe người dân).
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố tổng hợp các ý kiến đóng góp thiết thực của chuyên gia tư vấn, các sở, ngành và địa phương về CÐS. Các sở, ngành và địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu CÐS thời gian tới. Nhất là lưu ý, nhận thức sẽ đóng vai trò quan trọng trong CÐS; người dân và doanh nghiệp là trung tâm của CÐS; quan tâm chọn công nghệ thực hiện CÐS; nền tảng số là giải pháp CÐS nhanh hơn và hiệu quả; an toàn an ninh mạng là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Văn phòng UBND thành phố làm đầu mối làm việc với các chuyên gia, các ngành, địa phương để chọn những lĩnh vực ưu tiên thực hiện đẩy mạnh CÐS. Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư tiếp tục quan tâm bố trí, phân bổ kinh phí cho việc triển khai các nhiệm vụ CÐS.