06/06/2010 - 20:14

Bảo hiểm nuôi tôm sú ở Sóc Trăng

Cần thiết nhưng không dễ

Khi được bảo hiểm, người nuôi tôm sú sẽ không còn lo lắng mỗi khi thất mùa.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm sú của tỉnh Sóc Trăng tương đối ổn định và trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Năm 2009, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh trên 47.000 ha và sản lượng gần 60.000 tấn. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm sú của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là thời tiết, môi trường và cả yếu tố thị trường. Do đó, chủ trương thực hiện bảo hiểm nuôi tôm sú là thật sự cần thiết, nhưng để triển khai được loại hình bảo hiểm mang tính cộng đồng cao này vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết.

Nghề nuôi tôm sú ở Sóc Trăng trong những năm gần đây phát triển theo mô hình bán thâm canh (BTC) và thâm canh (TC), việc chấp hành lịch thời vụ cũng như khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào nghề nuôi được nâng lên. Theo Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh những thành tựu đạt được, nghề nuôi tôm sú của tỉnh cũng đối mặt với nhiều rủi ro, bất cập như: phát triển tự phát, kiến thức kỹ thuật và khả năng quản lý, vốn đầu tư, các yếu tố đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y...), quản lý nguồn nước, dịch bệnh và bất ổn về thị trường tiêu thụ.

Nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại và đảm bảo thu nhập cho người nuôi tôm sú, chủ động thị trường, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng Đề án bảo hiểm cho con tôm sú, đề án phải có tính khả thi cao và có thể triển khai được. Trong đó, phải làm sao cho cả người nuôi tôm và công ty bảo hiểm thấy được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi xây dựng đề án bảo hiểm tôm sú là làm thế nào để người nuôi tôm chấp nhận tham gia và các công ty bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm cho đối tượng nuôi này. Các đơn vị bảo hiểm là những doanh nghiệp, nên tính hiệu quả của mỗi sản phẩm dịch vụ bảo hiểm luôn được họ cân nhắc đầu tiên. Để đảm bảo tính hiệu quả, vấn đề quan tâm của các đơn vị bảo hiểm chính là việc quản lý rủi ro đối với đối tượng được bảo hiểm và sức tham gia của cộng đồng. Nếu chỉ những mô hình nuôi có rủi ro cao tham gia chắc chắn đơn vị bảo hiểm khó chấp nhận thực hiện.

Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Để nghề nuôi tôm sú của tỉnh phát triển ổn định, ngoài các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật cũng như sự hỗ trợ từ các ban ngành có liên quan, việc xây dựng thí điểm bảo hiểm nuôi tôm sú là rất cần thiết. Nhưng việc triển khai thực hiện không dễ dàng và cần sự hưởng ứng tích cực của các bên tham gia”. Việc triển khai thực hiện đề án bảo hiểm cho con tôm sú cũng là giải pháp đảm bảo sản xuất, phát triển bền vững cho ngành thủy sản, đây là vấn đề không mới, bởi rất nhiều nơi đã áp dụng khá thành công.

Các số liệu thống kê tình hình thiệt hại tôm sú của tỉnh giai đoạn 2005-2009 cho thấy, ngoại trừ năm 2008 thiệt hại 29,16%, còn lại các năm khác tỷ lệ thiệt hại hàng năm đều ở mức dưới 10%. Nguyên nhân thiệt hại cao trong năm 2008 do thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa xuất hiện sớm làm phát sinh dịch bệnh và tăng giá thành nuôi. Trong đó, tỷ lệ thiệt hại theo từng mô hình thì nuôi quảng canh cải tiến (QCCT) chiếm cao nhất với 59,1%, kế đến là BTC với 30,2% và 10,7% đối với mô hình nuôi TC. Thạc sĩ Võ Văn Bé, cho biết thêm: “Nhìn chung, diện tích thiệt hại trong những năm qua đang có xu hướng giảm dần và theo dự báo, tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi giai đoạn 2010-2015 cũng chỉ dao động ở mức trung bình 11,6%/năm. Mặt khác, các số liệu phân tích từ đề án nuôi tôm của tỉnh cũng cho thấy có hai giai đoạn có nguy cơ thiệt hại cao là giai đoạn tôm nuôi từ 21-60 ngày tuổi (30%) và từ 61-90 ngày tuổi (40%). Đây chính là những cơ sở dữ liệu để xây dựng mức phí bảo hiểm và định mức bồi thường cũng như sự tham gia hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đang thực hiện Đề án bảo hiểm nông nghiệp, nên việc gắn kết đề án bảo hiểm tôm sú của Sóc Trăng vào đề án chung của Chính phủ sẽ là một thuận lợi cho Sóc Trăng trong quá trình xây dựng và triển khai đề án. Mặt khác, khi cơ sở dữ liệu về nghề nuôi tôm sú ở Sóc Trăng đảm bảo được độ tin cậy cao, có tính dự báo lâu dài và sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý rủi ro sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm và người nuôi tôm quan tâm khi nhìn thấy quyền lợi của mình.

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết