23/09/2012 - 17:36

Cần sự đầu tư đột phá để xây dựng trường, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Lễ đón nhận Bằng công nhận Trường Tiểu học Hưng Lợi 2 (quận Ninh Kiều) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ảnh: B.Ng. 

Việc xây dựng trường, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân. Tuy nhiên, tại cuộc họp bàn giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các sở, ngành, lãnh đạo UBND quận, huyện về vấn đề xây dựng trường, trạm y tế (TYT) đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố vào chiều 17-9 vừa qua, đã nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ...

* Nỗ lực chung...

Thời gian qua, nhất là từ khi TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, công tác xây dựng trường, TYT đạt chuẩn quốc gia luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cũng như các sở, ngành liên quan. Theo báo cáo của ngành giáo dục TP Cần Thơ, từ năm 2000 đến tháng 8-2012, thành phố đã có 74/407 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; riêng năm 2011, toàn ngành xây dựng được 15 trường, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố. Bà Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: "Từ đầu năm 2012 đến tháng cuối tháng 8-2012, thành phố đã xây dựng 10/15 trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, ngành giáo dục thành phố đang khảo sát 7 điểm trường mầm non, tiểu học, THCS cận chuẩn để công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, ngành chú trọng xây dựng các điểm trường mầm non, mẫu giáo để thực hiện có hiệu quả phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng, giáo dục, chăm sóc toàn diện cho trẻ".

Không riêng gì lĩnh vực giáo dục, nhiều năm qua, ngành y tế thành phố đã đẩy mạnh công tác xây dựng TYT đạt chuẩn quốc gia. Theo bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, những đơn vị nào thiếu hụt về nguồn lực (con người, cơ sở vật chất), ngành y tế chủ động tìm mọi cách để hỗ trợ, giúp địa phương xây dựng TYT đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Vì thế, đến nay, toàn ngành có 66/85 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (chiếm trên 76%). Bà Phi nhấn mạnh: "Quan niệm về y tế cơ sở không chỉ riêng về các TYT mà tính từ tuyến quận, huyện trở xuống. Chăm lo tốt cho tuyến y tế cơ sở, sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tốt hơn".

Những địa phương được thành phố đánh giá cao trong công tác xây dựng trường, TYT chuẩn quốc gia, như: Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn, Cờ Đỏ... Theo đại diện UBND quận Ninh Kiều, định hướng từ nay cuối năm 2012, quận Ninh Kiều phấn đấu xây dựng thêm 2 trường ; năm 2013 có thêm 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Riêng TYT, quận Ninh Kiều có 12 TYT đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đến đầu năm 2013 sẽ có thêm TYT phường An Hòa đạt chuẩn quốc gia. Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự nỗ lực của các đơn vị, đến nay toàn quận Cái Răng có 6/7 TYT và 6/33 trường đạt chuẩn quốc gia.

* Thiếu vốn, đất xây dựng trường, trạm

Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù các địa phương đã nỗ lực quan tâm đầu tư cho y tế, giáo dục nhưng tỷ lệ trường, TYT đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khiêm tốn so với mặt bằng chung của cả nước. Qua thống kê của ngành y tế, trong số 66 TYT đạt chuẩn quốc gia, chỉ có 6 TYT đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới; vẫn còn một số TYT chưa có cơ sở vật chất độc lập để hoạt động như: Trà An, Bùi Hữu Nghĩa và thị trấn Cờ Đỏ. Qua khảo sát của ngành y tế ở 82 TYT, có 22 trạm cần xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp (trong đó có 16 trạm xây dựng mới), với hơn 85 tỉ đồng… Ở lĩnh vực giáo dục, số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm chưa đến 20%; vẫn còn 4 xã, phường chưa có trường mầm non, mẫu giáo; 13 xã, phường chưa có trường mầm non độc lập…

Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, chỉ riêng chương trình Đề án kiên cố hóa trường lớp, giai đoạn 2008-2011, thành phố xây dựng được 441/1949 phòng. Sau khi rà soát lại cơ sở vật chất của toàn thành phố, vẫn còn phòng học bán kiên cố, phòng học tạm. Giai đoạn 2012-2015, thành phố cần xây dựng mới 710 phòng học (trong đó có 220 phòng học cho bậc học mầm non), với tổng kinh phí khoảng 256 tỉ đồng. Ông Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nói: "Với tốc độ xây dựng trường chuẩn quốc gia như hiện nay thì thành phố phải mất 22 năm mới hoàn chỉnh hệ thống trường đạt chuẩn. So với các vùng miền khác, Cần Thơ có số lượng trường đạt chuẩn quốc gia rất thấp. Chính vì thế, để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trung ương, địa phương cần có kế hoạch xây dựng đề án căn cơ hơn, có vốn đầu tư nhiều hơn cho trường đạt chuẩn".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Việt Sĩ, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho rằng: "Khó khăn lớn nhất của quận là kinh phí xây dựng cơ bản. Hiện nay, quận đã lên bản vẽ xây dựng 15 điểm trường nhưng chưa thể thực hiện vì thiếu vốn, mặc dù quận đã cố gắng dành 70% kinh phí ngân sách để đầu tư cho giáo dục". Tương tự, quận Ninh Kiều- quận trung tâm của thành phố, không chỉ khó về kinh phí mà còn cả về diện tích đất xây dựng. Theo lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều, một số trường tiểu học, THCS đủ tiêu chí về cán bộ, giáo viên, trang thiết bị giảng dạy nhưng lại vướng diện tích đất xây dựng theo qui định 6m2/học sinh. Muốn có đất xây dựng thì phải có kinh phí bồi hoàn giải phóng mặt bằng, nhưng giá đền bù lại quá cao nên rất cần sự hỗ trợ của địa phương và Trung ương.

Rõ ràng, vòng lẩn quẩn "thiếu kinh phí, đất xây dựng" trường, trạm luôn là nỗi lo chung của lãnh đạo các quận, huyện trong việc xây dựng trường, TYT đạt chuẩn quốc gia. Vì thế, theo đại diện các địa phương, nếu không có kế hoạch căn cơ, lâu dài, cũng như sự đầu tư đột phá từ Trung ương, địa phương, việc xây dựng trường, TYT đạt chuẩn quốc gia sẽ khó đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết