24/05/2011 - 21:17

ĐĂNG KÝ VÀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Cần sự chủ động từ doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần chủ động trong việc bảo vệ quyền SHTT.

Quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) là tài sản vô hình của DN, là yếu tố không thể thiếu trong quá trình doanh nghiệp (DN) khẳng định vị trí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DN, nhất là những DN vừa và nhỏ, chưa thật sự quan tâm đăng ký và bảo hộ quyền SHTT.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, từ năm 1991 đến cuối tháng 2 năm 2011, TP Cần Thơ có 460 cá nhân, DN đăng ký sở hữu công nghiệp với 1.558 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 130 kiểu dáng công nghiệp, 3 sáng chế, 1 giải pháp hữu ích. Năm 2010, TP Cần Thơ có 218 văn bằng bảo hộ về nhãn hiệu, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 5 trong số 63 tỉnh/thành cả nước (sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương). Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố hướng dẫn tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tăng 2,3 lần so cùng kỳ năm trước. Dù được đánh giá việc quan tâm, đăng ký các quyền SHTT ở TP Cần Thơ ngày càng tăng nhưng kết quả trên vẫn còn khá ít so với tiềm năng cũng như so với tổng số DN hiện có trên địa bàn thành phố.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo các cơ quan chức năng, DN vẫn còn khó khăn nhất định trong việc đăng ký SHTT. Điển hình như: DN chưa quan tâm đến việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ, nhất là việc đầu tư tài chính cho các hoạt động liên quan đến SHTT. Thêm vào đó, nhãn hiệu chưa nổi tiếng, thị phần chưa lớn nên vấn đề bảo vệ quyền SHTT chưa thật sự là nhu cầu của DN. Ngoài ra, vì phần lớn các DN trên địa bàn thành phố là DN nhỏ và vừa nên chi phí đăng ký quyền SHTT cũng gây không ít khó khăn cho DN. Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, cho biết: Tại Việt Nam, việc bảo hộ quyền SHTT còn khá mới, mặc dù đã có Luật SHTT nhưng lực lượng quản lý còn thiếu và yếu; còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý về hành chính và cấp phép kinh doanh. Mặt khác, các quy định về SHTT và hành vi xâm phạm SHTT còn chưa tập trung, chủ yếu rải rác ở nhiều văn bản như: Luật SHTT 2006, Luật Khoa học và Công nghệ 2000, Pháp lệnh giống cây trồng 2004... và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh nêu trên chưa thật đầy đủ gây không ít khó khăn cho DN trong quá trình tìm hiểu về quyền SHTT.

Theo Luật SHTT, quyền SHTT là quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Đối tượng của quyền SHTT bao gồm: (i)Bản quyền; (ii) Bằng sáng chế; (iii) Thương hiệu; (iv) Kiểu dáng công nghiệp; (v) Sơ đồ bố trí mạch tích hợp; (vi) Chỉ dẫn địa lý. Ngoài bản quyền, các quyền còn lại được gọi chung là quyền sở hữu công nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, để bảo vệ quyền SHTT, DN cần tuyển dụng những nhân sự có chuyên môn và kinh nghiệm về pháp luật SHTT để thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT. Đồng thời, DN cần gắn chiến lược phát triển tài sản trí tuệ cùng với chiến lược kinh doanh, đề cao công tác quản lý tài sản trí tuệ như tài sản thông thường; xác lập và khai thác thương hiệu quyền SHTT một cách có hiệu quả; chủ động bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác.

Theo bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng SHTT, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, quyền SHTT là tài sản lớn của DN, nó khẳng định giá trị và chỗ đứng của DN trong kinh doanh. Do đó, DN cần quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ tài sản vô hình này. Bởi trên thực tế, có nhiều DN thành công nhờ xác định giá trị thương hiệu bằng quyền SHTT như: cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc... Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT cho DN, giúp DN nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về SHTT, nhằm tăng số lượng văn bằng bảo hộ SHTT trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: TUYẾT NHUNG

Chia sẻ bài viết