23/02/2023 - 12:21

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cần quy định rõ ràng về chỉnh lý biến động đất đai do thu hồi đất 

Lan Phương

Sau khi thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án, công trình, cơ quan chức năng có trách nhiệm phải điều chỉnh biến động đất đai, cập nhật trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCNQSDÐ) cho tổ chức, cá nhân đối với phần đất còn lại không bị thu hồi. Luật Ðất đai năm 2013 có quy định về thủ tục đăng ký biến động đất đai trong một số trường hợp nhưng đối với đất của người dân sau khi bị thu hồi thì việc chỉnh lý biến động này gặp nhiều vướng mắc, do pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục.

Người dân làm thủ tục đất đai tại Bộ phận Một cửa huyện Phong Điền. Ảnh: L.P

Ðăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật. Theo nguyên tắc, tổ chức, cá nhân bị thu hồi một phần đất đai, thì phải thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai trên GCNQSDÐ.

Luật Ðất đai năm 2013, Nghị định 43/2014/NÐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT và Nghị định 01/2017/NÐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai cũng đã có quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ và thời gian giải quyết đối với một số trường hợp về đăng ký biến động đất đai. Tuy nhiên, không quy định rõ ràng về chỉnh lý biến động đất đai do thu hồi đất. Tại Ðiều 25, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định Nhà nước thu hồi đất là trường hợp phải cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai. Trình tự, thời gian cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính đối với trường hợp thu hồi đất được quy định tại khoản 2, Ðiều 26, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT. Tuy nhiên, không quy định trình tự, thủ tục cụ thể đối với việc chỉnh lý biến động đất đai trên GCNQSDÐ cho tổ chức, cá nhân sau khi bị thu hồi đất. Do Luật Ðất đai chưa điều chỉnh đến việc đăng ký biến động đất đai sau thu hồi đất, nên quy trình đăng ký biến động đất đai sau thu hồi đất mỗi nơi làm một kiểu, người bị thu hồi đất là người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.

Ðiều 134, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định về đăng ký biến động được thực hiện đối với 14 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi. Tuy nhiên, trong 14 trường hợp cũng không nhắc tới việc đăng ký biến động sau khi Nhà nước thu hồi đất. Có thể nói, việc Dự thảo không đưa vấn đề này vào để điều chỉnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người dân vì hiện nay, Nhà nước thu hồi khá nhiều đất để thực hiện các dự án và số người dân có đất bị thu hồi cũng không hề nhỏ. Trong khi việc chỉnh lý biến động được thực hiện thường xuyên, liên tục và đối tượng thực hiện nhiều nên nếu không đưa quy định này vào luật sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất và cũng không có cơ sở để các cơ quan thực hiện nhiệm vụ, nhất là các thủ tục hành chính về biến động đất đai sau khi bị thu hồi.

Vấn đề đăng ký biến động đối với đất còn lại sau khi Nhà nước thu hồi hiện chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật. Các văn bản này quy định cơ quan thực hiện thu hồi đất có trách nhiệm đăng ký biến động đất đai cho người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, người dân có đất bị thu hồi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi cơ quan thu hồi đất trong một số trường hợp không thực hiện nhiệm vụ này mà đùn đẩy trách nhiệm sang cho người bị thu hồi đất. Do đó, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) cần quy định rõ ràng về việc chỉnh lý biến động đất đai do thu hồi đất, nhất là quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thu hồi đất trong vấn đề này.

Chia sẻ bài viết