25/05/2010 - 08:38

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật thi hành án hình sự

Cân nhắc hình thức thi hành án tử hình

* Đề cao nguyên tắc tự nguyện trong giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại

Sáng 24-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã; hình thức thi hành án tử hình; việc cho nhận hài cốt, tử thi của người bị thi hành án tử hình...

Hình thức thi hành án tử hình là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội với nhiều luồng ý kiến khác nhau, đó là đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng bằng tiêm thuốc độc hoặc xử bắn hoặc giữ cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng tính răn đe của hình phạt tử hình là ở chỗ quyết định tước đi sinh mạng của người phạm tội, chứ không liên quan đến hình thức tử hình là xử bắn hay tiêm thuốc độc.

Các đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng), Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác đề nghị nên sử dụng hình thức tiêm thuốc độc, bởi trong các hình thức thi hành án tử hình đang được nhiều nước áp dụng, thì hình thức tiêm thuốc độc là nhân đạo nhất, ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng dễ thực hiện. Hơn nữa, việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cũng đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền. Đồng tình với phương án này, đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) đề nghị quy định rõ trình tự thủ tục của phương án và đề nghị làm thí điểm trước khi áp dụng vào thực tế.

Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cho phép thân nhân người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi của người bị thi hành án về mai táng. Trước ý kiến cho rằng, nếu chỉ quy định cho phép thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận hài cốt sau 3 năm kể từ ngày mai táng thì thực tiễn cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp. Đại biểu Ngô Tự Nam (Đồng Tháp) và một số đại biểu đề nghị cho phép thân nhân được nhận tử thi trong một số trường hợp và cần quy định rõ trường hợp nào không được phép nhận. Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) và nhiều đại biểu cho rằng nên cho thân nhân nhận tử thi bởi dù đây là đối tượng bị xã hội lên án nhưng sau khi thi hành án rất ít gia đình bỏ hài cốt. Việc cho thân nhân nhận tử thi sẽ giải quyết được việc bị đào trộm tử thi... Tuy nhiên, đại biểu đề nghị việc nhận tử thi cần đi kèm với điều kiện đây không phải là đối tượng cộm cán, cầm đầu băng đảng để tránh gây mất an ninh trật tự. Sau khi nhận, gia đình phải an táng ngay, không được tổ chức tang lễ như bình thường.

Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cũng đề nghị cho người nhà nhận thi hài về mai táng khi có đơn xin, có ý kiến của chính quyền cơ sở và có điều kiện kèm theo như không tổ chức tang lễ..., nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) đề nghị thực hiện hỏa táng trước khi cho người nhà nhận tro cốt...

Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trọng tài thương mại. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài; phạm vi trách nhiệm, tiêu chuẩn, điều kiện của trọng tài viên; nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong tố tụng trọng tài... là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) cho rằng, quy định tại khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai” là chưa thỏa đáng, không có tác dụng mà nên sửa theo hướng “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành công khai trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên theo các đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), nguyên tắc giải quyết các tranh chấp của trọng tài là không công khai, khác với nguyên tắc xét xử của Tòa án. Nguyên tắc này phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của các bên, không gây ồn ào, ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) cũng đồng tình, nguyên tắc hoạt động của trọng tài là tự nguyện và không công khai. Do đó, nên quy định việc giải quyết tranh chấp tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Dự thảo Luật cũng đề cao nguyên tắc tự do thương lượng, hòa giải giữa các bên tranh chấp; đồng thời, quy định trách nhiệm của Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải về việc giải quyết vụ tranh chấp khi các bên có yêu cầu. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tỏ ra băn khoăn về tính chất tự nguyện trong giải quyết tranh chấp qua trọng tài ở dự thảo Luật. Đề cao tính tự nguyện, thương lượng, hòa giải nhưng dự thảo đưa ra rất nhiều yếu tố “không tự nguyện”, ví dụ sự tham gia của Tòa án, Viện Kiểm sát, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời... không đúng bản chất của hình thức tố tụng trọng tài. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, sự hỗ trợ của Tòa án là nhằm đảm bảo và tăng thêm hiệu lực phán quyết của trọng tài.

Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới việc quy định tiêu chuẩn trọng tài viên bởi các quyết định của trọng tài viên là rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trọng tài. Việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với trọng tài viên và các tổ chức Trọng tài. Theo đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ), nên xem xét bổ sung thêm điều kiện trọng tài viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; phải qua lớp bồi dưỡng đào tạo trọng tài viên. Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) băn khoăn khi dự thảo chưa có quy định về nhiệm vụ của trọng tài viên; mặt khác, trình độ, tiêu chuẩn của trọng tài viên là yếu tố rất quan trọng, do đó cần phải có quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng không cần thiết phải quy định thêm về tiêu chuẩn của trọng tài viên. Tổ chức trọng tài tồn tại dựa trên uy tín và năng lực hoạt động của chính họ, không dựa vào ngân sách. Do đó không nên can thiệp quá sâu nhưng cần xem xét tách khoản 3, khoản 4 của Điều này để không nhầm lẫn giữa tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề của trọng tài viên.

BÍCH THỦY-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết