14/01/2008 - 10:24

Cần nghiên cứu cải thiện bữa ăn cho nông dân và người có thu nhập thấp

Một thống kê gần đây ở 18 nước cho thấy: lượng gạo mà mỗi người dân dùng trong 1 năm bình quân là 83,84kg. Trong đó, 2 nước mà người dân dùng gạo nhiều nhất là Burma (237,7kg) và Việt Nam (211,9kg). Các nước quanh ta đều dùng gạo ít hơn, chẳng hạn như Thái Lan (155,9kg), Indonesia (152,7), Trung Quốc (103,34), Ấn Độ (78,9)… Dùng gạo ít nhất là Mỹ: 13,12kg, EU: 4,88 kg.

Ở nước ta, việc dùng quá nhiều gạo nhưng thiếu đạm, mỡ và sinh tố (nhất là đối với nông dân) dẫn đến tình trạng 16% dân số suy dinh dưỡng. Ngược lại, nhiều người khá, giàu lại ăn thừa đạm, mỡ, đường, thiếu rau quả dẫn đến béo phì (15%). Cả hai tình trạng trên đều sinh bệnh tật. Vì thế, cần phải thay đổi cách ăn uống dựa trên sự thay đổi chế độ canh tác và tập quán; chuyển từ giai đoạn “ăn no” sang tìm cách để ăn ngon hơn, chất lượng hơn.

ĂN NHIỀU GẠO: BẤT LỢI!

Gạo được dùng nhiều hay ít ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là điều kiện canh tác và tập quán xã hội. Tất cả đều có thể thay đổi trong phạm vi nhất định. Ở Bang Bihar (Ấn Độ) trước đây trồng lúa mì, người dân có tập quán ăn bánh mì và lương thực làm từ bột mì. Đến nay, do điều kiện tưới nước cho lúa nước được cải thiện, nông dân đã chuyển sang trồng lúa có lợi hơn. Người dân cũng thay đổi tập quán ăn từ dùng bánh mì sang dùng cơm. Nông dân Ấn Độ cũng nghèo như nông dân ta nhưng họ lại dùng ít gạo (bình quân 78,9kg/người/năm) nhờ ăn nhiều rau đậu.

Để tăng nguồn dinh dưỡng, rau, quả, củ là loại thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua rau, quả, củ ở Siêu thị Metro Hưng Lợi. Ảnh: QUANG HẢI 

Cơ cấu bữa ăn của người Nhật được đánh giá là tương đối cân đối, hợp lý, bình quân đạt 2.700 Kcalo/người, hơn dân ta khoảng 600-700 Kcalo. Cơ cấu bữa ăn của dân Nhật: đường bột chiếm 58%; chất đạm: 13%, chất béo: 28%, Đặc biệt là người Nhật rất coi trọng rau quả. Ngọn bầu bí ngoài món luộc, xào nấu còn được người Nhật tẩm bột chiên, để nguyên nướng. Bí đỏ cũng được làm như vậy. Ở Nhật, ít gặp người béo phì, ngoại trừ những võ sĩ Sumo nặng vài trăm ký do được nuôi dưỡng đặc biệt để đánh vật.

Ở Việt Nam ta, theo một kết quả nghiên cứu, bình quân chất đường bột ta dùng dư khoảng vài chục phần trăm; còn thịt, cá, trứng mới đạt độ 50-60% yêu cầu; rau quả cũng dùng được 50-70% yêu cầu của cơ cấu bữa ăn cân đối, văn minh. Vì thiếu thịt, cá, trứng, rau quả nên trong bữa ăn hàng ngày, dân ta phải ăn nhiều cơm để bù vào. Nghịch lý ở đây là, trong khi nông dân ta hoàn toàn có thể tự sản xuất rau quả đủ dùng, thì họ lại dùng rau quả với tỷ lệ rất thấp- nhất là rau quả chứa nhiều đạm thuộc họ đậu như: đậu tương, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu xanh, đậu đũa, đậu ván, đậu rồng... Trong khuôn viên 1 nông hộ, dù thiếu đất cũng có thể trồng mấy bụi chuối, vài gốc đu đủ, chanh, cam, làm giàn mướp, bầu bí, bông thiên lý... Các lại rau quả này có tác dụng ngay đến nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày.

Dân ta hầu như chỉ dùng lương thực chính là gạo, trong khi chúng ta có khả năng không nhỏ thay thế dần gạo bằng các loại lương thực khác. Ở các nước phát triển, trong bữa ăn hàng ngày có vài loại lương thực như: bánh mì, khoai tây, súp bằng lương thực ăn hạt như lúa mạch, ngô (bắp) non, đôi khi có cả cơm. Tất nhiên, có đủ thịt, trứng, cá, sữa, nhiều khi đến dư thừa. Chúng ta cũng cần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho người dân theo hướng đó.

CẢI THIỆN BỮA ĂN THEO HƯỚNG GIẢM GẠO, TĂNG CHẤT DINH DƯỠNG

Việt Nam hoàn toàn có thể ổn định và tăng hơn lượng gạo xuất khẩu bằng cách giảm ăn gạo của 86 triệu dân trên cơ sở cơ cấu bữa ăn cân đối, văn minh hơn. Nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn để phát triển nông nghiệp đa dạng, làm cơ sở cho việc đa dạng hóa lương thực thực phẩm. Thế mạnh này cần được phát huy để cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập bền vững hơn tăng sản lượng lúa. Bởi vì, tăng sản lượng lúa bằng cách tăng diện tích, tăng vụ hay thâm canh tăng năng suất đều phải dùng nhiều nước, nhiều phân đạm và thuốc sát trùng, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nông dân, độ phì nhiêu của đất suy giảm, môi trường nước cũng bị ô nhiễm.

Giả sử mỗi người Việt Nam giảm ăn gạo 1 ngày nửa lon (60 gram) thì một năm cả nước dôi ra một lượng gạo bằng lượng gạo xuất khẩu cả năm (4 -5 triệu tấn)). Ở các nước châu Á quanh ta, lượng gạo dùng trên đầu người liên tục giảm trong quá trình phát triển. Như ở Thái Lan, mỗi thập kỷ người Thái dùng gạo giảm hàng chục kg/năm. Đến nay, mỗi người dân Thái ăn gạo ít hơn ta 50-60kg/năm. Lượng gạo dư ra do người Thái dùng gạo ít dần chắc hẳn góp phần rất quan trọng vào mức 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm qua, giúp Thái Lan luôn ở vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Giảm yêu cầu về gạo dùng trong nội địa vừa thân thiện với môi trường do không phải dùng nhiều nước và chất hóa học, vừa có lợi với bà con nông dân. Như ở ĐBSCL, đất bình quân cho trồng lúa dưới 1 ha/hộ (6 – 8 khẩu), 1 năm làm 2-3 vụ, trừ chi phí canh tác 60% còn thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng. Tính ra, hàng tháng mỗi người chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng, mà phải chi phí rất nhiều khoản, phải “giật gấu vá vai” mà vẫn chưa đủ sống.

Để góp phần giúp nông dân ta thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn nghèo khó trong điều kiện đất ít người đông, cần có một phong trào sản xuất song song với thay đổi tập quán ăn uống, như phát triển hệ thống kinh tế sinh thái VAC (vườn- ao – chuồng). Ngành nông nghiệp và y tế cần hưởng ứng mạnh mẽ trong phong trào này thông qua các tổ chức như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Làm vườn, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần có những hoạt động hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn như ngành khoa học công nghệ cấp vốn nghiên cứu cho các đề tài, dự án liên quan (năm qua, tiền vốn nhà nước cấp cho nghiên cứu phát triển tiêu không hết, còn dư hàng trăm tỉ đồng).

Hầu hết diện tích gieo trồng giống lúa mới ở ĐBSCL là do chúng ta tự lai tạo, đã đóng góp tích cực vào an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo. Những nhà tạo chọn giống lúa hiện đang tạo chọn những giống lúa đáp ứng tập quán dùng gạo của địa phương. Nông dân ở Trà Vinh, Sóc Trăng và nhiều nơi khác, nhất là ở nơi có nhiều đồng bào thiểu số thích dùng nếp, gạo có hàm lượng amylose cao ăn no lâu, như các giống Tài nguyên, OMCS 7, CL8. Nhóm nghiên cứu của KS Hồ Quang Cua ở tỉnh Sóc Trăng đã lai tạo ra các giống ST đỏ nâu là một thành tựu rất đáng khen ngợi.

Có nhiều dự án quốc tế đang được đầu tư hàng trăm triệu đô-la Mỹ để có lúa gạo hạt vàng, hạt đỏ chứa các chất vi dinh dưỡng trên. Bộ môn Công nghệ sinh học - Viện Lúa ĐBSCL đang tranh thủ tham gia vào các Dự án trên, đã được tài trợ bởi Quỹ Rokerfeller, hiện là Bill Gate, rất đáng khích lệ. Thế nhưng, nếu có đề tài phát hiện những giống lúa gạo có màu đỏ màu vàng như ST đỏ, Huyết rồng, Nếp than... bằng xác định trong phòng thí nghiệm hàm lượng dinh dưỡng và vi dinh dưỡng trên, thì càng có ý nghĩa trong việc cải thiện chất lượng bữa ăn cho người thu có nhập thấp là nông dân và dân nghèo thành thị.

GS.TS NGUYỄN VĂN LUẬT

Chia sẻ bài viết