29/05/2008 - 09:33

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII

Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về công nghệ, tránh lãng phí

* Luật có đủ mạnh để đẩy lùi hiểm họa tai nạn giao thông?

(TTXVN)- Sáng 28-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Công nghệ cao. Những vấn đề như tập trung nghiên cứu công nghệ cao (CNC) hay ứng dụng CNC để phát triển, xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm CNC như thế nào, đầu tư CNC theo hướng nào... đã được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Theo các đại biểu Quốc hội, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc ban hành Luật Công nghệ cao để điều chỉnh thống nhất và toàn diện các hoạt động liên quan tới công nghệ cao ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách. Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Công nghệ cao. Nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này còn tản mạn, chưa thống nhất và đồng bộ; thiếu các hướng dẫn cụ thể trong nhiều lĩnh vực. Đại biểu Hà Thanh Toàn (Cần Thơ) cho rằng, cần có chế tài cụ thể để hạn chế đối với những doanh nghiệp, tổ chức đầu tư lãng phí, không đúng mục đích trong phát triển CNC. Đào tạo nguồn nhân lực thế nào (từ quản lý, kỹ thuật, thậm chí thuê ngườì nước ngoài) để đi trước một bước, để con người không bị lạc hậu so với công nghệ là vấn đề đại biểu đặt ra. Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo cần xem xét xem điều gì cần quy định cụ thể trong Luật hay văn bản dưới Luật, cũng như làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các khu CNC...

Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (Thái Bình) cho rằng, nhiều điều trong Luật vẫn thiên về cơ chế hành chính nhà nước. “CNC ở tầm cao, tầm Trung ương đã khó, trong khi các tỉnh, thành phố đều có thì không hợp lý, vì không phải tỉnh nào cũng phát triển CNC được. Điều đó sẽ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường... Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về công nghệ, tránh để tình trạng công nghệ lạc hậu từ bên ngoài chuyển về Việt Nam gây hậu quả cho phát triển đất nước”, đại biểu nhấn mạnh. Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) đưa ý kiến: “Chính phủ cần đánh giá những công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam thời gian qua để có cách nhìn đúng. Các trường đại học, Viện nghiên cứu trong nước cũng không thể nằm ngoài trong dự luật này được vì các Trường, Viện là nơi nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển CNC”. Theo đại biểu, hình thức tổ chức quỹ đầu tư mạo hiểm CNC cũng cần làm rõ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hay hành chính. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần xác định rõ phương thức, phát triển nguồn nhân lực để không lãng phí, chảy máu chất xám.

Chiều 28-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật giao thông đường bộ sửa đổi. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật (sửa đổi) này.

* Chiều 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi). Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban quốc phòng và an ninh (QPAN) của Quốc hội, cơ bản nội dung sửa đổi của Luật trình ra Quốc hội đã bổ sung nhiều yếu tố được tổng kết từ thực tiễn 6 năm thực hiện Luật giao thông đường bộ năm 2001. Và trong 6 năm qua đã có 190 văn bản của Chính phủ và các cơ quan chức năng hướng dẫn thi hành Luật hoặc bổ sung các quy định mà trong Luật còn thiếu; việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này có sự chọn lọc các quy định từ các văn bản đó, tổng hợp lại bảo đảm tính logic và khoa học để luật có tính khả thi cao, phát huy hiệu lực để phát triển hệ thống giao thông và đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT).

Góp ý cho dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ cùng với chế tài xử lý trách nhiệm cụ thể hơn. Sau 6 năm thi hành Luật giao thông đường bộ, TNGT vẫn không giảm và được giải thích là sự bùng phát của phương tiện giao thông với trên 1,1 triệu ô tô, 22 triệu xe gắn máy... và 83% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông gây nên. Cách lý giải như vậy chưa thỏa đáng, mà cần thấy nguyên nhân chính thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa hoàn thành trách nhiệm về quản lý giao thông. Trong đó quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông luôn yếu kém, tính dự báo trong quy hoạch cũng rất kém dẫn đến tình trạng đô thị phát triển nhanh nhưng quỹ đất dành cho giao thông chỉ bằng 1/10 so với các đô thị khác trên thế giới. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và tp Hồ Chí Minh, đường vừa chật hẹp lại vừa thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe, điểm dừng xe dẫn đến ùn tắc giao thông triền miên. Bên cạnh đó, đường không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, không đạt quy chuẩn để phân làn đường; chưa kể tình trạng đào bới liên miên, đường sá xuống cấp nghiêm trọng... Đây là hậu quả việc chưa định hướng giao thông đô thị; chưa quan tâm đến dự báo và chính sách phát triển giao thông công cộng.

Đại biểu Trịnh Tiến Long (Bắc Cạn) và một số đại biểu khác đề nghị quy định cụ thể hơn về xử lý các trường hợp người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở và trong máu để ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Không thể vì thiếu phương tiện kiểm tra mà không có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ. Nên có quy định cụ thể hơn về chính sách phát triển giao thông ở miền núi, vùng nông thôn chứ không chỉ nêu trong luật là ưu tiên phát triển giao thông vùng đô thị và vùng kinh tế trọng điểm.

Chia sẻ bài viết