04/12/2017 - 17:17

Cần chiến lược mới cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười 

Khoảng 30 năm qua, nhờ phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi, kiểm soát lũ, giao thông và ứng dụng khoa học - công nghệ đã mang lại thành tựu đáng kể về nông nghiệp (NN), chủ yếu là sản xuất lúa cho vùng tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM). Đây là 1 trong 2 tiểu vùng có tốc độ tăng trưởng cao nhất về diện tích gieo trồng và sản lượng lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, tiểu vùng ĐTM cần có chiến lược mới trong việc liên kết nội vùng, liên kết với các tiểu vùng ĐBSCL và các vùng miền khác để phát triển bền vững.

Sản phẩm nông nghiệp tiểu vùng ĐTM nên hướng vào ứng dụng công nghệ cao.

Tiểu vùng ĐTM gồm 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An với 22 huyện, thị xã, thành phố; diện tích khoảng 730.000ha, chiếm 70% diện tích tự nhiên của 3 tỉnh và chiếm 18% diện tích của ĐBSCL. Đây là vùng đất trũng hay đồng lũ kín, 42% diện tích là đất phèn; đất NN chiếm 78%, trong đó chủ yếu là đất lúa (chiếm 85%). Theo TS. Đặng Kiều Nhân, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, sản xuất NN của tiểu vùng ĐTM có nhiều lợi thế nhưng cũng không ít thách thức đang được đặt ra. Đó là: Chuyển dịch cơ cấu trong ngành NN của tiểu vùng ĐTM nói riêng và của 3 tỉnh trong vùng nói chung trong 6 năm qua chủ yếu là tăng tỷ trọng ngành trồng trọt, tỷ trọng dịch vụ giảm. Thực tế này đi ngược với xu hướng chung của ĐBSCL và các tiểu vùng lân cận khác: giảm tỷ trọng ngành trồng trọt và tăng dịch vụ.

Thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một trong những thách thức lớn đối với phát triển ngành nông nghiệp. Ngoài ra, tiểu vùng ĐTM và cả vùng ĐBSCL còn thách thức từ thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN: phát triển theo xu hướng đa dạng sản xuất khiến hàng nông sản trùng lắp và cạnh tranh nội bộ. Đặc biệt, việc chuyển dịch cơ cấu NN và kinh tế của vùng có thể làm chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa tiểu vùng ĐTM và các tiểu vùng khác ngày càng nhiều hơn. Điều này chưa kể năng suất sản xuất NN đã “đụng trần”, đặc biệt là sản xuất lúa; tài nguyên sinh học giảm, dựa chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt trong khi sản phẩm trồng trọt giữa các tỉnh giống nhau và không phát huy tính đặc trưng với lợi thế so sánh.

Để phát triển bền vững trước những khó khăn, thách thức, theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại NN, Bộ NN&PTNT, tiểu vùng ĐTM nói riêng cần đầu tư sâu vào các sản phẩm chủ lực như: chuối, xoài, dừa, tôm, cá tra… đặc biệt là các khâu kiểm soát nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực để dần đưa sản phẩm NN lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Các tỉnh cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương nhằm khai thác tốt nhất lợi thế so sánh theo hướng chuyên môn hóa, tạo ra sự khác biệt và đa dạng giữa các vùng miền…

3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM. Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang được xây dựng. Theo đó, tiểu vùng ĐTM là không gian kinh tế mở, không có ranh giới hành chính trong 3 tỉnh. Điểm mấu chốt của liên kết là hạn chế mâu thuẫn và điểm nghẽn để tăng tính cạnh tranh của tiểu vùng cũng như kết nối với các tiểu vùng khác ở ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết