02/06/2009 - 07:41

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ với công chúng thụ hưởng và nhà nước

* Phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam

Tăng hay không tăng thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; trả nhuận bút, thù lao như thế nào khi sử dụng các tác phẩm đã công bố; điều kiện được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp...là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (QH) quan tâm thảo luận tại hội trường khi cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ sáng 1-6.

Cho dù còn ý kiến khác nhau nhưng quan điểm của các đại biểu QH đều thống nhất: Sửa đổi, bổ sung Luật để góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của người sáng tạo, người sử dụng và công chúng thụ hưởng. Mặt khác, tuy cần nội luật hóa những quy định của điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên nhưng phải cân nhắc để vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, vừa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ, công chúng thụ hưởng và Nhà nước.

Một trong những điểm mới của dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp dự kiến được kéo dài từ 12 tháng lên 18 tháng đối với sáng chế; từ 6 tháng lên 9 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kể từ ngày công bố đơn. Theo nhiều đại biểu, quy định như vậy là một bước thụt lùi về cải cách hành chính. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, việc kéo dài thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ ảnh hưởng tới việc sớm đưa các sáng chế, phát minh áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, bảo hộ kịp thời quyền của chủ sở hữu và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính cũng như thông lệ quốc tế, mất cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đa số các vị đại biểu QH đều cho rằng, một trong những điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là phải có tư cách pháp lý độc lập, được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Việt Nam.

Không đồng tình với nhận định của Ủy ban Pháp luật cho rằng như vậy sẽ thu hẹp phạm vi các tổ chức được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và không thống nhất với Luật luật sư về quyền của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai), Nguyễn Đăng Vang (Bình Định), Đặng Vũ Minh (Tây Ninh), Phạm Quốc Anh (Đồng Nai), Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ), Dương Kim Anh (Trà Vinh) đều cho rằng nếu không quy định như vậy thì đối tượng kinh doanh sẽ rất rộng, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tài sản sở hữu trí tuệ tuy vô hình nhưng có giá trị vật chất lớn, các doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghệ phải bảo đảm năng lực pháp luật và năng lực chuyên môn, có tư cách pháp lý độc lập mới được phép đại diện; mặt khác quy định như vậy là để bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp và thị trường trong nước...

Nhiều đại biểu QH cũng đề nghị cần cân nhắc việc sửa đổi thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ 50 năm lên 75 năm. Bởi vì, Công ước Berne và một số điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên cũng xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là 50 năm. Các đại biểu cho rằng, những quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các bên có liên quan chỉ ràng buộc song phương, không nên mở rộng diện áp dụng trong quan hệ với các nước khác.

* Chiều 1-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Người cao tuổi.

Tờ trình dự án Luật Người cao tuổi nêu rõ: Việc xây dựng Dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của người cao tuổi về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam trong tình hình mới; tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về người cao tuổi, thực hiện việc luật hóa và hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật về người cao tuổi ở Việt Nam; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và góp phần thực thi các công ước quốc tế liên quan đến người cao tuổi mà Việt Nam là thành viên...

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất với Ban soạn thảo rằng, dự thảo Luật không điều chỉnh đối tượng là người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên sinh sống tại Việt Nam vì Dự thảo Luật quy định quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, trong đó có một số quyền và nghĩa vụ chỉ phù hợp với công dân Việt Nam; khả năng ngân sách và các điều kiện bảo đảm của Nhà nước hiện nay còn hạn chế, nên cần ưu tiên thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi là công dân Việt Nam.

Về vị trí của Hội Người cao tuổi Việt Nam trong hệ thống chính trị, Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng đây là vấn đề cần được cân nhắc vì: Điều lệ Hội Người cao tuổi ghi nhận Hội Người cao tuổi Việt Nam là tổ chức xã hội của người cao tuổi. Nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước, thúc đẩy xã hội hóa, đổi mới hoạt động và hạn chế việc hành chính hóa các tổ chức hội.

Ngoài ra các đại biểu còn bàn nhiều tới việc đảm bảo tính khả thi của dự án Luật. Đại biểu Nguyễn Minh Hà cho rằng Điều 15 quy định: “Người cao tuổi được hỗ trợ, giảm giá dịch vụ khi tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và sử dụng phương tiện giao thông công cộng” là khó thực hiện.

THANH HÒA – QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết