28/05/2012 - 21:57

KỲ HỌP THỨ BA, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, sáng 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giá và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giá Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày cho biết: tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban đã rà soát, bổ sung nhiều quy định cụ thể về: hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; các hành vi cấm trong lĩnh vực giá; tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; thẩm định giá của Nhà nước... Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Nhiều ý kiến đề nghị bình ổn giá chỉ nên tập trung vào một số hàng hóa thiết yếu như một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, điện, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...

Cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá. Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng như nhiều đại biểu khác. Bảo lưu quan điểm về những hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định đối với các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh lợi dụng độc quyền và thế độc quyền để định giá mua giá hàng hóa dịch vụ bất hợp lý để trục lợi với lý do việc các doanh nghiệp có vị thế độc quyền chi phối giá cả, nâng giá bất hợp lý, tạo khan hiếm giả tạo là một thuộc tính của cơ chế thị trường và đặc biệt là khi có sự can thiệp nhóm lợi ích. Ở nước ta, những năm qua đã xảy ra với một số ngành, một số sản phẩm gây bất ổn về giá cả cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng. Dự thảo Luật đã đưa các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường ra khỏi danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; lập quỹ bình ổn giá... Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng luật quy định lập quỹ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết nhưng không quy định cụ thể mà chỉ giao cho Chính phủ, nguồn mức trích lập quỹ cũng không rõ ràng. Điều này cần cân nhắc vì nếu trích lập từ giá bán hàng hóa thì đây là khoản phí đánh vào túi tiền người tiêu dùng. Nếu Quốc hội quyết định cho phép thành lập quỹ bình ổn giá là một trong những biện pháp để ổn định giá thị trường cần phải quy định rõ trong điều kiện nào được thành lập quỹ, không ghi chung là trong trường hợp cần thiết và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi nào được thành lập quỹ.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Chia sẻ bài viết