Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi lịch sử vĩ đại, đánh dấu sự biến đổi to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này đã đập tan ách thống trị của thực dân, phát xít, đưa dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, nhân dân ta là người làm chủ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Những luận điệu lạc lõng trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công
Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, các thế lực thù địch, phản động lại tìm mọi cách tung ra những luận điệu cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả của cuộc cách mạng, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần đây, một số luận điệu tiếp tục cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là “nhờ sự may mắn chứ Đảng Cộng sản Việt Nam không có vai trò gì”; bôi nhọ “Cách mạng Tháng Tám không đem lại dân chủ, tự do thực sự cho người dân”; vu cáo “cuộc cách mạng đánh dấu bước đi sai lầm của Đảng Cộng sản, đẩy dân tộc vào cảnh chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu”...
Mít tinh hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 19/8/1945.(Ảnh tư liệu)
Thời gian qua, lợi dụng tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường cùng một số mặt khó khăn của đất nước, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá cách mạng nước ta trên nhiều hướng, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các trang VOA, RFA, BBC, RFI, Việt Tân… đã triệt để lợi dụng các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Twitter, Facebook với các hình thức như bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, luận đàm, từ đó xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật lịch sử. Các tổ chức trên còn đưa ra lập luận rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản nắm độc quyền thống trị đất nước, thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng “đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, thay đổi hình thức từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”. Họ xuyên tạc chế độ hiện nay chính là chế độ phong kiến kéo dài, nhân dân vẫn tiếp tục bị áp bức, đô hộ, đòi Đảng ta phải thoái lui; đổ lỗi những yếu kém là do Đảng, cổ xuý thành tựu của nền dân chủ phương Tây, đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, từ bỏ con đường đi lên CNXH để đưa Việt Nam theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Âm mưu của những tổ chức, cá nhân thù địch, phản động nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tạo ra những góc nhìn phiến diện, sai lệch, mơ hồ, nghi hoặc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và thế giới; làm phai nhạt niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; kích động, làm sâu sắc hơn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, hướng lái con thuyền cách mạng nước ta đi chệch định hướng XHCN. Họ coi việc tuyên truyền trên Internet, nhất là mạng xã hội là cách hiệu quả để truyền bá tư tưởng thù địch, phản động đến với người dân, là con đường ngắn nhất để xóa bỏ mọi thành quả của cách mạng Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta đã dày công vun đắp, tạo dựng.
Song, dù có cố tình chống phá, xuyên tạc, họ cũng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn cùng những giá trị tự do, dân chủ đích thực mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho đất nước, dân tộc Việt Nam cũng như đóng góp cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.
Minh chứng lịch sử khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Nhìn lại lịch sử, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng và bất lực, chịu thất bại rồi đi đến đầu hàng (ký Hiệp ước Giáp Thân 1884), chấp nhận làm tay sai cho giặc. Từ đó, để phục vụ mục đích nô dịch thuộc địa và bóc lột lâu dài, thực dân Pháp thi hành chính sách “chia để trị”. Nhân dân sống trong cảnh “nước mất, nhà tan”, cuộc đời lầm than cơ cực. Trong bối cảnh đó, với truyền thống yêu nước nồng nàn, các tầng lớp nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên chống giặc.
Các phong trào yêu nước trong giai đoạn này có thể kể đến như Phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du và các cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Yên Bái... cùng hàng chục cuộc đấu tranh khác đều bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp đẫm máu. Đi liền với đó là sự đô hộ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công đã chứng tỏ cả giai cấp phong kiến và đại diện cho các thế lực tư sản đã hết vai trò lịch sử, vận mệnh của dân tộc và đất nước lâm vào tình thế bế tắc, không có đường ra. Một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới sự thất bại là các phong trào yêu nước thời điểm đó chưa phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dẫn đến các phong trào chỉ diễn ra nhỏ lẻ không có sự gắn kết. Đồng thời, do không có một đường lối cách mạng đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp nên tất cả các phong trào nổi dậy, các cuộc khởi nghĩa mang sắc thái, giai tầng khác nhau dẫn đến không quy tụ được các tầng lớp nhân dân trong nước và đều bị thất bại. Vấn đề bức thiết đặt ra thời điểm này là bằng con đường nào, cách thức nào, tổ chức lực lượng thế nào để đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi. Người thấu hiểu sức mạnh của muôn người đoàn kết như một trong truyền thống dân tộc để áp dụng vào cách mạng để trong một nước không có tầng lớp này chống lại tầng lớp kia, trong dân tộc không có hận thù, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, gái trai... miễn là có sức, có lòng cùng mục tiêu vì một nền độc lập của dân tộc thì đều đáng quý, đáng trân trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Sự lựa chọn con đường cách mạng của Người vào thời điểm đó là phù hợp với yêu cầu của lịch sử dân tộc, là sự lựa chọn đúng đắn, duy nhất của Việt Nam. Ngày 3/2/1930, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu của lịch sử.
Với chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và được bổ sung, hoàn thiện xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị để tập hợp lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, thể hiện rõ nét nhất là quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941). Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đại đoàn kết dân tộc đúng đắn. Khi thời cơ ngàn năm có một đã tới, Đảng và Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn quốc đồng bào gia nhập Việt Minh, đoàn kết chung quanh Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với sự đoàn kết của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định, tạo nên sức mạnh to lớn giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng sinh động về sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc Việt Nam khi được Đảng khơi dậy, tổ chức, tập hợp với tinh thần tự lực, tự cường. Thắng lợi đó đã khẳng định trong thực tế lòng tin tuyệt đối của quần chúng nhân dân vào đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Khẳng định ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là thắng lợi của tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” mà còn là thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã lật đổ chế độ thực dân phong kiến, xác lập chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân. Ngoài ra, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn có giá trị lan tỏa sâu sắc đối với cách mạng thế giới, đánh dấu sự mở đầu trên phạm vi quốc tế cho cao trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai; mở ra mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền.
Gần 80 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tầm vóc và giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám luôn là niềm tự hào thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Liêm Chính - Bình Nguyên (Báo Công an Nhân dân)