27/06/2023 - 11:14

Các nhà khoa học nói gì về những xu hướng chống lão hóa hiện nay? 

AN NHIÊN (Theo Business Insider)

Với mong muốn đảo ngược hoặc làm chậm quá trình lão hóa, nhiều người đang áp dụng các phương pháp khác nhau, từ liệu pháp tắm lạnh, chiếu ánh sáng đỏ cho đến nhịn ăn gián đoạn, ăn uống thuần thực vật. Dưới đây là ý kiến của các nhà khoa học về các biện pháp chống lão hóa đang trở thành xu hướng hiện nay:

Liệu pháp tắm lạnh

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ việc dùng phương pháp tắm lạnh, hay liệu pháp áp lạnh (cryotherapy, để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cực lạnh trong vài phút), như một giải pháp chống lão hóa vì nó có tác động làm chậm “đồng hồ sinh học” của cơ thể.

Theo Tiến sĩ Anant Vinjamoori - Giám đốc y tế của công ty chăm sóc sức khỏe hướng tới sống thọ khỏe mạnh Modern Age ở Mỹ, việc ngâm mình trong bồn nước đá lạnh sẽ gia tăng sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như epinephrine và dopamine, vốn có tác dụng trẻ hóa và tiếp thêm sinh lực tức thì. Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy tiếp xúc với cái lạnh còn làm giảm chứng viêm toàn thân, yếu tố dẫn đến nhiều bệnh mãn tính.

Nhịn ăn gián đoạn

Nghiên cứu cho thấy việc chỉ ăn uống trong khung thời gian giới hạn có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho những người bị tiểu đường và béo phì, thậm chí tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng căng thẳng (stress) ôxy hóa. Theo chuyên gia Vinjamoori, lợi ích chính của việc ăn kiêng kiểu này là giúp điều chỉnh nhịp sinh học, ví dụ, chất lượng giấc ngủ được cải thiện nhờ hạn chế nạp thêm calo vào buổi tối. Chế độ ăn kiêng gián đoạn phổ biến nhất là 16/8, tức ăn uống trong khung 8 tiếng và nhịn ăn trong 16 tiếng còn lại.

Tuân thủ chế độ ăn dựa trên thực vật

Ông David Sinclair, một nhà nghiên cứu về tuổi thọ tại Trường Y Đại học Harvard, cho biết các nghiên cứu nhân khẩu học chỉ ra rằng chế độ ăn giàu đạm động vật thực sự chỉ giúp mọi người cảm thấy thõa mãn trong thời gian ngắn, chứ không phải là chế độ ăn giúp kéo dài tuổi thọ về lâu dài. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy những người cắt bỏ đạm động vật và tuân thủ chế độ ăn thuần thực vật có khả năng sống lâu và khỏe mạnh hơn. Như ở “Vùng xanh lam” (Blue Zones) - những cộng đồng sống thọ đến 100 tuổi (gồm Okinawa-Nhật Bản, Sardinia-Ý, Nicoya-Costa Rica, Icaria-Hy Lạp và Loma Linda-Mỹ), người dân chủ yếu dùng chế độ ăn dựa trên thực vật.

Liệu pháp tắm lạnh và ánh sáng hồng ngoại được phát hiện là có lợi ích chống lão hóa.

Liệu pháp tắm lạnh và ánh sáng hồng ngoại được phát hiện là có lợi ích chống lão hóa.

Liệu pháp ánh sáng hồng ngoại

Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ sử dụng đèn LED hoặc tia lazer để chiếu vào cơ thể ánh sáng màu đỏ - bước sóng ánh sáng dài nhất trên quang phổ nhìn thấy được. Việc phơi mình dưới ánh sáng hồng ngoại trong 5-20 phút như vậy có thể làm tăng sản xuất adenosine triphosphate, hợp chất cung cấp và dự trữ năng lượng cho tế bào. Bác sĩ da liễu Laura Buford cho biết liệu pháp ánh sáng hồng ngoại hiện có ích trong việc cải thiện một số bệnh da liễu, chống lão hóa, rụng tóc, chăm sóc vết thương và tổn thương do ánh nắng.

Dùng sản phẩm bổ sung

Nicotinamide Mononucleotide (NMN) là một chất bổ sung có thể giúp tăng nồng độ NAD+, một coenzyme quan trọng trong cơ thể, góp phần hỗ trợ quá trình trao đổi chất và duy trì chức năng tế bào khỏe mạnh.

Giáo sư Sinclair, người đã nghiên cứu mối quan hệ giữa NAD+ và quá trình lão hóa, cho biết khi con người già đi, nồng độ NAD+ giảm, đồng nghĩa các enzyme bảo vệ và tu sửa cơ thể cũng bị ảnh hưởng và dẫn tới quá trình lão hóa. Do NAD+ là một phân tử lớn và rất khó để hấp thụ trực tiếp, nên Sinclair khuyên dùng bổ sung các chất cấu thành nó - gồm B3, Nicotinamide riboside (NR) hoặc NMN.

Tương tự, nhân sâm Ấn Độ (Ashwagandha) gần đây được xem là thành phần triển vọng trong các liệu pháp chống lão hóa. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học lâm sàng cho thấy Ashwagandha có thể giúp duy trì độ dài của telomere, “mũ” bảo vệ hai đầu của nhiễm sắc thể. Nghiên cứu cho thấy telomere thường bị rút ngắn trong quá trình sao chép DNA, đẩy nhanh lão hóa tế bào và thúc đẩy quá trình thoái hóa. Trong khi đó, Ashwagandha từ lâu đã được y học cổ truyền Ấn Độ ứng dụng để chống lão hóa. Thảo mộc này được chứng minh có tác dụng giảm lo âu, căng thẳng, làm dịu chứng viêm khớp và tăng cường chức năng nhận thức.

Dùng thuốc kê đơn

Metformin, một loại thuốc kê đơn cho bệnh tiểu đường, ngày càng được dùng như một “chiêu” bẻ khóa sinh học (biohacker) để cải thiện tuổi thọ và làm chậm sự khởi phát của các bệnh như ung thư, suy giảm nhận thức và mất thị lực. Loại thuốc này giúp điều chỉnh đường huyết và giảm cảm giác thèm ăn, nên hỗ trợ tăng cường trao đổi chất và kích thích quá trình thanh lọc và tái tạo tế bào - gọi là tự thực bào (autophagy).

Trong khi đó, Rapamycin - một loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư - đang được xem là một cách để giảm bớt chứng viêm do tuổi tác. Đây là tình trạng góp phần gây ra các bệnh liên quan đến tuổi già như ung thư và bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy Rapamycin làm chậm quá trình lão hóa ở ruồi, động vật giáp xác, nấm men, chuột. Ở người, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể giúp cải thiện chức năng miễn dịch, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Liệu pháp hoóc - môn

Khả năng cân bằng nội tiết tố trong cơ thể thay đổi theo tuổi tác và thúc đẩy nhiều bệnh lý liên quan đến tuổi tác như tăng cân, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi ... Do đó, mối quan tâm đối với liệu pháp hoóc-môn ngày càng tăng. Theo chuyên gia Vinjamoori, việc thay thế testosterone đã trở nên phổ biến đối với cả nam giới và phụ nữ vì rõ ràng rằng mức testosterone tối ưu có thể tác động đến tâm trạng, ham muốn tình dục và cả quá trình trao đổi chất. Ngoài testosterone, các hoóc-môn sinh dục khác - như estrogen, progesteron - cũng đang được nhiều người quan tâm lựa chọn để chống lại các tác động của quá trình lão hóa.

Chia sẻ bài viết