09/04/2024 - 08:24

Cả tin, mất của 

Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cần Thơ vừa xét xử nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. Thủ đoạn các bị cáo không mới nhưng do bị hại quá cả tin, mất cảnh giác nên mất tiền oan uổng. Đây tiếp tục là bài học cảnh báo người dân khi tham gia giao dịch mua bán, ký kết giấy tờ quan trọng có liên quan đến tiền bạc, cần kiểm chứng kỹ càng, tránh để sập bẫy lừa.

Bị cáo Lê Nhật Nguyên trong phiên xét xử.

Lê Nhật Nguyên (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Kiên Giang) có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, từng là cựu nhân viên của một ngân hàng có chi nhánh tại Cần Thơ. Giữa năm 2022, Nguyên được ngân hàng chuyển sang vị trí cán bộ khách hàng bán lẻ thuộc phòng giao dịch ở quận Thốt Nốt, phân công quản lý hồ sơ vay vốn của bà M và bà E. Trong quá trình hỗ trợ tín dụng, Nguyên thấy khi ký các thủ tục vay vốn, 2 bà không đọc lại nội dung, nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.

Đầu năm 2023, bà M đến ngân hàng giải ngân 2 tỉ đồng vào tài khoản của một người để thanh toán tiền mua lúa. Lợi dụng lúc bà M không để ý, Nguyên đưa hồ sơ cho bà ký giấy nhận nợ, các giấy ủy nhiệm chi để giải ngân số tiền 3 tỉ đồng. Trong đó, trả tiền mua lúa 2 tỉ đồng, chi 1 tỉ đồng vào số tài khoản người quen của Nguyên. Đầu tháng 2-2023, bà E tới ngân hàng yêu cầu giải ngân 2,5 tỉ đồng để trả tiền mua lúa. Cũng với thủ đoạn này, Nguyên đưa hồ sơ cho bà E ký giấy nhận nợ, các giấy ủy nhiệm chi, giải ngân 5 tỉ. Trong đó, tiền mua lúa 2,5 tỉ đồng như yêu cầu và chi 2,5 tỉ đồng vào số tài khoản người quen của Nguyên. Tiếp đó, cuối tháng 2-2023, Nguyên nói dối cần làm thủ tục đáo hạn hồ sơ vay cho bà M nên đề nghị bà đến ngân hàng ký các thủ tục, tưởng thật, bà M đồng ý. Nhưng thực tế Nguyên không làm thủ tục đáo hạn ngân hàng mà làm hồ sơ để bà M vay thêm 2 tỉ đồng và giải ngân vào tài khoản người quen của Nguyên. Khi phát hiện dư nợ không đúng và biết Nguyên có hành vi gian đối, bị hại làm đơn tố cáo. Ngày 1-6-2023, Nguyên bị bắt.

Tại phiên tòa vào cuối tháng 3-2024, Nguyên thừa nhận hành vi phạm tội. Trong 3 lần chuyển tiền, Nguyên đều yêu cầu người quen chuyển lại ngay cho Nguyên. Với số tiền chiếm đoạt 5,5 tỉ, Nguyên trả nợ vay, mua bán tiền điện tử thua lỗ, tiêu xài... Phía bị hại trình bày do quen biết, quá tin tưởng nhân viên ngân hàng, không kiểm tra hồ sơ, giấy tờ nên mới xảy ra cớ sự. Trong quá trình điều tra, Nguyên và gia đình đã khắc phục toàn bộ thiệt hại. Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu tình hình an ninh trật tự tại địa phương, cần có mức hình phạt nghiêm. Sau khi cân nhắc, tòa tuyên phạt Nguyên 8 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với người quen cho mượn tài khoản chuyển tiền không biết hành vi gian dối của Nguyên nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cuối tháng 1-2024, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ xét xử trực tuyến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo là Tô Thiện Hòa (sinh năm 1999, ngụ quận Thốt Nốt), đã lợi dụng lòng tin người thầy giáo cũ của mình, chiếm đoạt hơn nửa tỉ đồng.

Theo cáo trạng, Hòa là học trò của ông D khi học THPT ở huyện Vĩnh Thạnh. Năm 2017, Hòa tốt nghiệp và là chiến sĩ nghĩa vụ, phục vụ có thời hạn tại Công an quận Thốt Nốt. Trong thời gian công tác, Hòa lấy trộm tiền đơn vị nên bị tước danh hiệu Công an Nhân dân, bị Tòa án Nhân dân quận Thốt Nốt xét xử về tội trộm cắp tài sản mức án 9 tháng tù.

Trong thời gian chờ chấp hành án, khoảng giữa tháng 12-2022, Hòa đến trường rút học bạ thì gặp ông D, Hòa nói dối là đang học tại Trường Đại học Cảnh sát nhưng hồ sơ lý lịch của Hòa bị cháy nên phải trích lục học bạ nộp lại để chuẩn bị ra trường. Hòa còn “nổ” quen biết lớn và là cháu của Giám đốc Công an, được ưu tiên thực tập tại Công an tỉnh V.L và hiện Hòa là thủ kho giữ xe vi phạm giao thông.

Trong lúc nói chuyện, ông D ngỏ lời nếu có xe thanh lý thì bán cho ông 1-2 chiếc để cho con đi học, Hòa nói sẽ hỏi lại. Do đang cần tiền tiêu xài và trả nợ nên Hòa rắp tâm lừa đảo. Hòa tải hình xe máy trên mạng Internet đưa cho ông D xem và nói dối có lô xe gồm 22 chiếc, giá 12 triệu đồng/chiếc, chỉ thanh lý nguyên lô. Ông D đồng ý mua và đặt cọc 100 triệu đồng. Sau đó, Hòa tiếp tục nói dối có một ô tô bị bắt buôn lậu, thanh lý với giá 235 triệu đồng, ông D cũng đồng ý mua, đặt cọc 80 triệu đồng. Để tránh bị nghi ngờ, Hòa nhờ người soạn hợp đồng bán xe thanh lý giữa Hòa với ông D thể hiện tổng số tiền 420 triệu đồng, đặt cọc 100 triệu đồng, còn thiếu 320 triệu đồng.

Từ đầu tháng 1-2023 đến ngày 28-2-2023, ông D đã nhiều lần chuyển tiền cho Hòa với số tiền 457 triệu đồng. Có tiền, Hòa mua điện thoại, nữ trang, chuyển khoản cho bạn gái, trả nợ, thua cá độ bóng đá… Thấy Hòa hứa hẹn hoài nhưng không giao xe, ông D làm đơn tố giác. Chiều 3-3-2023, khi Hòa đang nhận 10 triệu đồng từ ông D thì bị công an bắt quả tang.

Trong phiên tòa, Hòa thành khẩn khai báo và bày tỏ sự hối hận, nhưng tất cả đã muộn màng. Bị cáo phải trả giá cho lòng tham không đáy với hình phạt 13 năm tù tội lừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với 9 tháng tù tội trộm cắp tài sản, bị cáo phải chấp hành 13 năm 9 tháng tù, đồng thời phải đền bù thiệt hại cho ông D.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

 

 

 

Chia sẻ bài viết