30/07/2014 - 20:59

Bức xúc nhu cầu đầu tư nâng cấp chợ

 Hiện nay, có nhiều chợ tại các khu vực ngoại thành của TP Cần Thơ cần được đầu tư nâng cấp. Trong ảnh: Một góc quang cảnh chợ Nóc Bằng ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ.
 

TP Cần Thơ ngày càng xuất hiện nhiều siêu thị và trung tâm thương mại, song các chợ truyền thống vẫn giữ vai trò rất quan trọng, nhất là tại các quận, huyện xa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp, phát triển các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chợ xuống cấp, quá tải... đã ảnh hưởng xấu đến việc mua bán của người dân.

Chợ kém sức cạnh tranh

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 107 chợ các loại, trong đó có 5 chợ loại 1, 14 chợ loại 2, 53 chợ loại 3, còn lại là các chợ tạm, chợ chưa đủ tiêu chuẩn để phân loại. Theo Phòng Quản lý Thương mại- Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện nay nhiều chợ trên địa bàn thành phố, nhất là các chợ loại 3 và chợ chưa phân loại đang trong tình trạng xuống cấp, mặt bằng kinh doanh hạn chế nên thường bị quá tải, các điều kiện về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Để đầu tư nâng cấp hết các chợ trên địa bàn thành phố là rất khó do nguồn vốn đầu từ ngân sách nhà nước ít, trong khi các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đầu tư phát triển chợ cũng còn hạn chế. Thành phố hiện có 13 đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển chợ, nhưng mới chủ yếu tập trung cho các chợ tại các quận trung tâm và địa bàn thị trấn của một số huyện”.

Do sự quá tải, xuống cấp, bất tiện trong đi lại và gặp phải một số khó khăn khác, việc buôn bán của nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống thường xuyên gặp cảnh ế ẩm. Tiểu thương cũng khó thực hiện được các chương trình quảng bá sản phẩm và thu hút khách so với các siêu thị hay tiểu thương buôn bán tự do bên ngoài. Đáng chú ý là hình thức buôn bán hàng theo kiểu “di động”, nay đây mai đó mà nhiều người gọi là bán “đồ la”- vừa bán hàng, người bán vừa hô la quảng cáo để thu hút khách. Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Trưởng Phòng hạ tầng và kinh tế huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hiện nay, việc buôn bán của tiểu thương tại nhiều chợ ngoại thành không chỉ gặp khó do cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo mà ngày càng chịu nhiều sức ép cạnh tranh, nhất là từ các hộ kinh doanh cố định bên ngoài chợ và những tiểu thương đi bán “đồ la””. Không phải chịu bó buộc tại một điểm bán hàng cố định và phải chịu các khoản thuế và phí như tiểu thương ở chợ, hàng hóa thì nhiều lúc không rõ xuất xứ, chất lượng, người bán “đồ la” mặc tình hạ giá để thu hút khách. Điều này làm tiểu thương buôn bán tại các chợ rất băn khoăn và bức xúc. “Không chỉ tiểu thương tại các chợ xã bức xúc về tình trạng bán “đồ la” mà gần đây tiểu thương tại chợ thị trấn Phong Điền cũng nhiều lần phản đối về việc “đồ la” lấn áp vào chợ làm cho tiểu thương ở đây không bán được hàng. Hơn nữa, do chợ mới chưa xây dựng, tiểu thương tại chợ thị trấn Phong Điền phải kinh doanh trong chợ tạm nên gặp nhiều khó khăn, nhất là khi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển chợ này còn yếu về năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chợ”- Ông Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng Phòng hạ tầng và kinh tế huyện Phong Điền, cho biết.

Cần đẩy mạnh xã hội hóa

Thời gian qua, việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP Cần Thơ được thực hiện theo các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính Phủ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển, quản lý chợ và Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ về Ban hành quy chế quản lý và phát triển chợ. Theo các văn bản trên, việc đầu tư phát triển chợ được xác định chủ yếu vẫn là hình thức xã hội hóa đầu tư, kinh doanh và quản lý chợ, bao gồm các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vốn đầu tư xây dựng đối với một số chợ do Nhà nước quản lý có nhu cầu bức xúc, nhưng không huy động được nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác như: chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới, chợ tại các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn…

Để đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp và phát triển các chợ, hiện nhiều địa phương trên địa bàn thành phố xác định cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư phát triển. Trong đó, tập trung vào việc tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực về tài chính và tâm huyết trong việc đầu tư phát triển chợ. Bà Nguyễn Thị Nương, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Thời gian qua, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn quận Thốt Nốt khá sôi động và quận thu hút được một số doanh nghiệp đến đầu tư phát triển chợ. Tuy nhiên, trong 21 chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn hiện chủ yếu là chợ loại 3 và chợ chưa phân loại nên nhiều chợ rất cần được đầu tư nâng cấp. Quận Thốt Nốt rất muốn thu hút và kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp đến tham gia đầu tư phát triển chợ, nhưng còn gặp khó do chưa có nhiều điều kiện giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp, do vậy rất cần sự hỗ trợ từ phía thành phố”. Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Trưởng Phòng hạ tầng và kinh tế huyện Cờ Đỏ cũng cho biết: “Huyện đang rất cần thành phố giới thiệu nhà đầu tư phát triển chợ và tạo điều kiện kết nối giữa địa phương với các đơn vị, doanh nghiệp này. Bên cạnh một số lượng lớn các chợ cần đầu tư nâng cấp, hiện Cờ Đỏ cần xây mới thêm 2 chợ cho 2 xã chưa có chợ là Đông Thắng và Thới Xuân nhằm tạo thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và giúp các xã này có thể hoàn thành tiêu chí về xã nông thôn mới”.

Để đẩy mạnh xã hội hóa phát triển chợ, cùng với việc tăng cường công tác kết nối, mời gọi các nhà đầu tư, thành phố cũng cần xem xét có chính sách hỗ trợ và ưu đãi về vốn và đất đai cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển chợ. Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm của Sở Công thương TP Cần Thơ, nhiều địa phương cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn ngại tham gia đầu tư phát triển không phải do không có hiệu quả mà chủ yếu doanh nghiệp ngại bỏ ra một khoản đầu tư lớn, nhưng có thể bị chậm trễ trong việc thu hồi vốn do vướng công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng khi đầu tư nâng cấp chợ. Do vậy, nếu được thành phố và các địa phương hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong công tác này, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực đầu tư phát triển và quản lý chợ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết