(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 6, sáng 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc bổ sung biên chế, số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương năm 2012-2013.
Theo Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú, tính đến ngày 15-9-2011, biên chế của TAND địa phương hiện có 12.118 người, trong đó có 4.855 thẩm phán. So với biên chế mà UBTVQH đã phân bổ cho năm 2009-2010, hiện nay TAND địa phương còn thiếu 684 biên chế. Ông Trần Văn Tú cho biết, trong các năm qua, biên chế của ngành TAND đã được bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, do tình hình số lượng án các loại thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành TAND tăng hàng năm khoảng 15%-20%, phát sinh nhiều TAND địa phương quá tải. Tới đây, số lượng các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của TAND theo Luật Tố tụng hành chính sẽ tăng lên rất lớn. Đó là những đòi hỏi khách quan, cần thiết phải bổ sung biên chế, số lượng thẩm phán cho ngành TAND.
Sau khi xem xét, UBTVQH đã đồng ý với phương án Ủy ban Tư pháp đưa ra là bổ sung 1.713 biên chế cho TAND địa phương năm 2012-2013. Tổng biên chế của TAND địa phương là 14.515 người.
UBTVQH yêu cầu TANDTC tổng kết, rà soát, đánh giá biến động về biên chế trong ngành, kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình mới, gắn với việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của TAND các cấp. Cũng trong buổi sáng, UBTVQH đã đồng ý với đề nghị của TANDTC cử ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán TA Quân sự Trung ương, thay ông Trần Hữu Thắng nghỉ chế độ.
Một nội dung quan trọng trong chương trình Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII là Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH) đã được các thành viên Ủy ban bàn thảo, cho ý kiến trong buổi họp chiều 23-3.
Theo Đề án, có thể xem xét thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nghiên cứu thành lập Ủy ban Dân nguyện của QH để đảm nhiệm chức năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri....
Tán thành với định hướng Hội đồng và các Ủy ban tiến hành phản biện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay từ giai đoạn đầu của chương trình xây dựng pháp luật, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn, để việc này khả thi và có hiệu quả thì cần phải có cơ chế đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với phía Chính phủ.
Đánh giá chung các ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đều thống nhất phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH nhưng cần tiến hành một cách đồng bộ, kịp thời, toàn diện. Chủ tịch QH lưu ý, trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp 1992, cần tập trung vào việc đổi mới cách thức tiến hành các kỳ họp QH, phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH để nâng cao hiệu quả hoạt động của QH; vừa làm, vừa tổng kết, so sánh, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện mô hình cách thức mới đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đại biểu QH và cử tri.
Đề án sẽ tiếp tục được Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến tại các phiên họp tới trước khi trình QH chính thức thông qua.