09/06/2020 - 05:36

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA 

Ngày 8-6, Quốc hội tiếp tục họp đợt thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Đầu phiên họp buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu một số vấn đề về kết quả Quốc hội họp trực tuyến.

Sau nội dung này, Quốc hội biểu quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Sáng cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 9.

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của EVIPA. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung dự thảo Nghị quyết.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết này bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam, tránh mở rộng cam kết cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVIPA; bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc quy định: “Trong trường hợp người được thi hành phán quyết có yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam, Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam theo thủ tục do Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết” (khoản 2, khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết). Theo cơ quan thẩm tra, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam chỉ làm thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong trường hợp bị đơn là EU hoặc các nước thành viên của EU có tài sản ở Việt Nam.

Khoản 2 Điều 3.57 Hiệp định quy định: “Mỗi bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm được ban hành phù hợp với Mục này là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính trên lãnh thổ của mình tương tự như phán quyết chung thẩm của Tòa án bên đó”. “Như vậy, việc công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA sẽ được áp dụng có tính chất tương tự như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và việc thi hành phán quyết được thực hiện theo thủ tục thi hành án dân sự. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ để tránh hiểu là Tòa án Nhân dân tối cao phải ban hành thủ tục riêng để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA về bản chất không phải phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà chỉ là phán quyết của cơ quan thường trực trọng tài nước ngoài. Nếu xử sự không khéo thì sẽ có tác động mạnh mẽ tới hiệp định bảo hộ đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị, Tòa án Nhân dân Tối cao cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Qua đó, rút ra những điểm cần thiết đối với dự thảo Nghị quyết này. Đại biểu cũng đề nghị, Tòa án Nhân dân Tối cao thành lập bộ phận chuyên trách, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài ngành tòa án, nhằm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

TTXVN

Chia sẻ bài viết