22/06/2017 - 10:15

Bi hài một gia đình rắc rối

Tiểu thuyết "Bố, các cô ấy và tôi" (NXB Phụ Nữ) của Manula Kalicka- nữ nhà văn Ba Lan- là câu chuyện trào phúng về gia đình, mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi "Cây bút vàng" năm 2001 do Câu lạc bộ Thế giới Sách và tạp chí Elle tổ chức.

"Bố, các cô ấy và tôi" là một câu chuyện điển hình về gia đình hiện đại khi hôn nhân đổ vỡ. Tuy nhiên, thay vì đẩy vấn đề đi vào lối mòn bi kịch thường thấy, tác giả lại có góc nhìn hài hước, đưa ra đủ các tình huống rắc rối, éo le rồi cuối cùng giải quyết các vấn đề một cách hợp tình, hợp lý.

 

Câu chuyện bắt đầu khi người mẹ đột ngột rời bỏ tổ ấm ở Ba Lan để bay sang châu Phi theo tiếng gọi của tình ái, để lại một chồng là nhạc sĩ của một ban nhạc rock cùng 2 cô con gái 15 tuổi và 6 tuổi. Ông bố vô tâm, vô tư sau thời gian chới với cũng sắp xếp cuộc sống gia đình thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Điều đáng nói là ngôi nhà lần lượt xuất hiện… các cô bạn gái của bố và gây ra bao chuyện dở khóc, dở cười. Cô Viola thích ca hát nhưng nấu nướng rất tệ, cô Ilona có khả năng quán xuyến công việc gia đình song tính cách vô cùng khó chịu, cô Angelika xinh đẹp nhưng đỏng đảnh và mưu mẹo, cô Elvira dễ mến nhưng bắt mọi người ăn kiêng theo mình một cách khắt khe. Bất ngờ nhất là cô Cleopatra- vợ của người tình của mẹ- từ Ai Cập cũng tìm tới. Mỗi cô sống trong nhà một thời gian và sau đó dọn đi vì những va chạm, mâu thuẫn không thể hóa giải. Gia đình nhỏ còn nổi sóng khi người mẹ quay về, cũng là lúc một trong những nhân tình của bố trở lại với đứa con trong bụng…

"Bố, các cô ấy và tôi" mở ra một không gian gia đình đầy những biến cố, những tình huống "thượng đế cũng phải cười", nhưng trong ngậm ngùi, cay đắng. Trong môi trường sống phức tạp ấy, 2 đứa trẻ phải thích ứng và trưởng thành sớm. Thậm chí hai chị em Karolina và Paulina còn khuyên nhủ, uốn nắn bố mình mỗi khi ông sa đà vào ăn chơi bệ rạc; kiên quyết bảo vệ quan điểm, cách sống trước những đòi hỏi vô lý của các cô bạn gái của bố… May mắn là họ còn có cô giúp việc tốt bụng cùng bà ngoại khôn khéo bênh vực, giúp tháo gỡ những lúc gặp khó khăn. Người bố, tuy thường xuyên lưu diễn xa và bị tình yêu làm mờ mắt, nhưng thương yêu các con. Chính tình thương ấy đã giúp ông kịp thời có những quyết định đúng đắn, giữ được gia đình nhỏ.

Tác giả đã khéo léo lồng vào tác phẩm nét văn hóa, lịch sử, môi trường sống của đất nước Ba Lan. Cách ứng xử của các nhân vật với nhau khiến người đọc chiêm nghiệm, rút ra nhiều bài học bổ ích trong giao tiếp và đời sống gia đình. Điển hình như vợ chồng ly hôn vẫn có thể coi nhau như bạn, chúc mừng nhau khi người kia tìm được hạnh phúc mới; con cái không nhất thiết phải chống đối với mẹ kế mà có thể ủng hộ bố nếu đó là người phù hợp… Quan trọng nhất là khi gặp những tình huống nan giải, trớ trêu đừng vội nản lòng, tuyệt vọng hay chống đối quyết liệt mà hãy bình tĩnh, tìm cách giải quyết sao cho ổn thỏa. Đặc biệt là sau những buồn khổ, bi thương hãy rũ bỏ tất cả để bắt đầu cuộc sống mới như chính cô con gái lớn Karolina, ông bố nhạc sĩ đã làm. Như thế, hạnh phúc mới có thể đến! 

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết