29/06/2009 - 09:39

Bắt đầu từ 1-7-2009, nhiều chính sách mới có hiệu lực

(TTXVN)- Bắt đầu từ ngày 1-7-2009, nhiều chính sách mới, quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành: Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Thi hành án dân sự, Bảo hiểm y tế, Giao thông đường bộ (sửa đổi), Công nghệ cao và Đa dạng sinh học, Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

Luật quốc tịch Việt Nam có nhiều quy định mới thông thoáng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Đảm bảo tính xuyên suốt, truyền thống của nguyên tắc một quốc tịch đồng thời áp dụng một cách mềm dẻo, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch, những trường hợp ngoại lệ có thể đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Những trường hợp ngoại lệ là những trường hợp được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi và trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch Việt Nam. Luật quy định rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam. Với những người không quốc tịch đã cư trú ổn định lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực thi hành mà tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam.

Luật Thi hành án (THA) dân sự là đạo luật mới nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục THA, xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan THA, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, tạo chuyển biến trong công tác THA dân sự.

Luật Bảo hiểm y tế ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu khách quan của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và quá trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Luật quy định cụ thể 24 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và một nhóm đối tượng khác để Chính phủ tùy tình hình cụ thể quy định thêm nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (điều 12). Trong số 24 nhóm đối tượng được xác định cụ thể, 11 đối tượng được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm (trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, bảo trợ xã hội, người nghèo, người cao tuổi...). Luật xác định mức trần đóng bảo hiểm y tế là 6% và giao Chính phủ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể để quy định mức đóng, hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng (điều 13).

So với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung một số quy định về quy tắc GTĐB như đèn tín hiệu giao thông; dừng xe, đỗ xe trên đường; quy định cụ thể về độ tuổi trẻ em được chở thêm trên xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp; bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn giao thông...) nhằm phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, đảm bảo an toàn giao thông. Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung quy định về việc đặt tên, số hiệu đường bộ, quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị; bổ sung quy định về công tác thẩm định an toàn giao thông đối với công trình đường bộ, việc xây dựng công trình giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật; quy định cụ thể việc đấu nối, xây dựng đường gom để đảm bảo an toàn giao thông cho hệ thống quốc lộ..

Luật Đa dạng sinh học gồm 8 chương và 78 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Luật Đa dạng sinh học thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng, hợp lý giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương. Luật Đa dạng sinh học được xây dựng trên nguyên tắc quan tâm đến lợi ích của các bên liên quan trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cơ sở công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học thực hiện theo hướng thúc đẩy và hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.

Luật Công nghệ cao đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc và thông thoáng cho hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao (CNC), đặc biệt là chính sách coi đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNC là giải pháp đặc biệt có tính đột phá nhanh chóng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, các ngành kinh tế - kỹ thuật và của toàn nền kinh tế Việt Nam. Luật Công nghệ cao tạo bước thống nhất việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực CNC, tạo bước đột phá trong ứng dụng, nghiên cứu và phát triển CNC phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án gồm 6 chương, 52 điều, quy định về các loại án phí, lệ phí Tòa án đối với người bị kết án, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; mức án phí, lệ phí Tòa án; nguyên tắc thu, nộp; điều kiện, thủ tục miễn; những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí Tòa án; cơ quan có thẩm quyền thu; xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án; giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án.

Chia sẻ bài viết