06/06/2023 - 20:24

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn 

(TTXVN) - Sáng 6-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 (khóa XV), Quốc hội bắt đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Ðỗ Văn Chiến; lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành… dự phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ cho biết, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV được tiến hành trong 2,5 ngày, từ sáng 6-6 đến hết sáng 8-6; được tường thuật trực tiếp trên Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TRÍ DŨNG - TTXVN

Nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTB&XH), Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc.

Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết hoạt động chất vấn để làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện.

* Các vấn đề về đào tạo, việc làm, quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động    

Trong phiên họp sáng, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực LÐTB&XH.

Ðại biểu chất vấn về khi tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt 50%; giải pháp nâng tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn; hỗ trợ lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc; giải pháp ổn định thị trường lao động, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội…

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ LÐTB&XH Ðào Ngọc Dung cho biết, đến quý I-2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4%, thấp hơn so với các nước phát triển. Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững, tiến tới thị trường lao động Việt Nam hội nhập với xu thế chung. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện… Thời gian tới, Bộ LÐTB&XH phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đổi mới phương thức đào tạo nghề khu vực nông thôn với phương châm chỉ đào tạo khi dự báo, bố trí được công việc hiệu quả cao hơn.

Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung chia sẻ, phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học... Bên cạnh đó, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa, hỗ trợ lao động nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp. Ðịa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới.

Ðể đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đối với học sinh, sinh viên khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề miễn phí hoàn toàn; học nghề ra được ưu tiên tìm việc; số học sinh, sinh viên tiên tiến được đào tạo chất lượng cao miễn phí; giải pháp kết nối doanh nghiệp để tạo việc làm ngay sau khi ra trường (khoảng 85%)...

Trong thời gian tới, để đào tạo nghề thực sự gắn với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng khẳng định, phải quyết liệt hơn trong dự báo cung cầu, chỉ đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng với các doanh nghiệp để học viên ra trường có việc làm.

Thời gian qua, 63 tỉnh, thành phố đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; tổ chức sáp nhập các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc “3 trong 1”, “2 trong 1”; một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ, chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể được sắp xếp lại theo tinh thần, quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ LÐTB&XH đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách… Kết quả, về cơ bản, tình trạng này đã giảm đi.

Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng cho biết, cơ quan chức năng sẽ tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu dân cư; minh bạch cho người lao động biết tình hình đóng bảo hiểm của mình…

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, tình trạng chậm, trốn đóng cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỉ đồng, so với năm 2021, tăng 2,69%. Ngoài ra, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng và điều này đã ảnh hưởng đến khoảng 206.000 người lao động. Thời gian qua, Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho số lượng lao động trên.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

* Phát triển nhân lực cho ngành trí tuệ nhân tạo và nhân lực chất lượng cao

Chiều 6-6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến nhân lực cho ngành trí tuệ nhân tạo và nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thích ứng sau đại dịch COVID-19, thế giới đang chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng mới là kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ góc độ quan điểm, tư duy và chủ trương, chúng ta cần rà soát lại các vấn đề liên quan đến chính sách tăng trưởng xanh của đất nước cũng như các chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… Các vấn đề này liên quan mật thiết đến phát triển nguồn nhân lực - một trong ba đột phá chiến lược được Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng xác định.

Song song với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, R&D (đầu tư vào nghiên cứu và phát triển) trong doanh nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ðảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã dành cơ chế thành lập, vận hành các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, đến nay, năng suất lao động chưa đạt được tính bứt phá.

Theo đó, nhân sự trong khu vực doanh nghiệp phải là chủ yếu nhưng hiện chỉ chiếm 15% tổng số nhân lực R&D. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chiếm trên 50%, riêng châu Âu chiếm trên 56,3%.

Ðiều này cho thấy, chúng ta phải tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong nghiên cứu các kết nối có tính liên thông từ giáo dục phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Vấn đề này đòi hỏi sự kết nối, liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, vấn đề đào tạo cần có sự phân bổ nguồn lực để tập trung đào tạo.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động nghiên cứu đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain (cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh), công nghệ liên quan đến dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính, lượng tử, nhưng công nghệ mới liên quan đến năng lượng tái tạo...

“Ðây chính là tiềm năng để có thể tạo ra việc làm mới, những ngành nghề mới. Tuy nhiên, xuất phát điểm phải từ vấn đề liên quan đến con người, nguồn lực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ góc độ này, Phó Thủ tướng khẳng định, khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực cần thực hiện bằng được thông qua các chủ trương của Ðảng, Nhà nước; chiến lược quy hoạch và các vấn đề về pháp lý; tạo động lực mới để phát triển đất nước theo mô hình hiện nay thế giới đang thay đổi.

“Việt Nam đi sau nhưng có thể đón đầu, đặc biệt trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tiếp đó, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Dân tộc. Nội dung chất vấn xoay quanh trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030); chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, LÐTB&XH, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chia sẻ bài viết