06/01/2020 - 09:34

Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV 

Từ năm 2017 đến nay, người nhiễm HIV có hộ khẩu tại TP Cần Thơ được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, từ nguồn ngân sách thành phố. Qua đó, đảm bảo cho người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục, hiệu quả, giảm bớt gánh nặng chi phí...

ARV là loại thuốc kháng vi-rút, nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, giảm khả năng lây nhiễm sang người khác, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trước đây, phần lớn thuốc ARV do các tổ chức quốc tế tài trợ miễn phí. Tuy nhiên, sau năm 2017, nguồn viện trợ này bị cắt hoàn toàn. Và BHYT sẽ là nguồn tài chính thay thế, đảm bảo cho người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt đang tư vấn, điều trị cho bệnh nhân bằng BHYT.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Vì vậy, người nhiễm HIV cần tham gia BHYT để việc điều trị ARV được liên tục, hiệu quả... Theo Bác sĩ CKI Ngô Minh Khôi, chuyên viên Khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, nhằm tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV tham gia BHYT, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và phụ nữ mại dâm hoàn lương. Theo đó, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV có hộ khẩu tại TP Cần Thơ. Đây là chủ trương mang tính nhân văn của thành phố được Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đánh giá cao và Cần Thơ là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ này.

Nằm trong danh sách những bệnh nhân điều trị ARV bằng thẻ BHYT, chị N.H.T. (ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Từ năm 2013, tôi phát hiện mình bị nhiễm HIV. Khi được sử dụng thuốc ARV, tôi thấy sức khỏe tốt lên rất nhiều. Trước kia, mỗi khi lấy thuốc tôi đều rất lo ngại về chi phí, nhưng từ khi có thẻ BHYT, tôi được cấp thuốc liên tục tại Bệnh viện Đa khoa quận, mỗi tháng 1 lần. Việc sử dụng thuốc ARV đều đặn giúp tôi nâng cao sức khỏe, kiên trì chiến đấu với HIV và hòa nhập với cộng đồng, xã hội”.

Anh B.M.H. (ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bộc bạch: “Tôi bị nhiễm HIV đến nay đã được 9 năm. Khi phát hiện mình bị bệnh, tôi đã tuân thủ việc sử dụng thuốc ARV để phòng ngừa lây nhiễm cho vợ con và những người thân trong gia đình. Nếu không có BHYT chi trả, mỗi tháng phải bỏ ra vài triệu tiền thuốc ARV là điều quá sức với gia đình tôi. Sự hỗ trợ này giúp những người nhiễm HIV vơi đi gánh nặng tài chính và củng cố tinh thần để chống chọi với bệnh tật”.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có các cơ sở điều trị ARV: tuyến thành phố (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ; Bệnh viện Nhi đồng; Bệnh viện Quân Y 121); tuyến quận, huyện (Trung tâm Y tế quận Cái Răng; Trung tâm Y tế quận Bình Thủy; Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn và Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt). Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, hiện nay, tất cả 7 phòng khám HIV trên địa bàn thành phố, đã khám và thanh toán qua BHYT cho người nhiễm các chi phí: công khám, xét nghiệm cơ bản. Ngoài ra, còn phối hợp tư vấn với điều trị ARV. Tỷ lệ bệnh nhân đang điều trị ARV đã có thẻ BHYT đạt 96,6% (có 3.087/3.196); số còn lại không đồng ý mua do lo sợ lộ thông tin khi sử dụng thẻ. Cuối năm 2019, Trung tâm mua đáo hạn cho 1.664 thẻ BHYT cho người nhiễm theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND và 130 thẻ BHYT từ nguồn Dự án Quỹ toàn cầu cho những người không đủ điều kiện hỗ trợ BHYT theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND…

  Theo các cơ quan chức năng, tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT không ảnh hưởng đến bí mật thông tin cá nhân. Việc bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật Khám, chữa bệnh hiện hành và các quy định pháp luật khác. Việc khám, chữa bệnh bằng BHYT không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Vì vậy, người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tâm lý, chủ động nhanh chóng tham gia BHYT, để có thêm điều kiện bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình.

Để đăng ký mua thẻ BHYT cho bản thân, người nhiễm HIV có thể liên hệ các cơ sở điều trị, các trạm y tế xã, phường để được hướng dẫn thủ tục và giấy tờ cần thiết; đồng thời, được tư vấn, chuyển gửi đến các cơ sở điều trị...

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết