29/01/2010 - 08:30

Báo động chất thải y tế! (kỳ 2)

Bài 2: Chất thải y tế lỏng: Thải thẳng ra môi trường

Mới đây, khi khảo sát về thực trạng hệ thống xử lý chất thải y tế (CTYT) lỏng, Tổ tư vấn của Viện Công nghệ môi trường đã đánh giá nhiều bệnh viện (BV) ở TP Cần Thơ không có hệ thống xử lý CTYT lỏng, một số đơn vị có hệ thống xử lý nhưng hoạt động kém hiệu quả... từ thực trạng đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng từ CTYT lỏng là khó tránh khỏi...

* Chất thải y tế lỏng không có hệ thống xử lý

Hầu như, các hệ thống xử lý CTYT lỏng của các BV tuyến quận, huyện đều cùng “cảnh ngộ” yếu và thiếu. Thậm chí, đa phần các BV, TTYT quận, huyện sử dụng nước sinh hoạt bơm lên từ cây nước.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Đa khoa TP Cần Thơ giới thiệu hệ thống xử lý CTYT lỏng.  Ảnh: H.H 

Đến nay, BV Đa khoa huyện Thới Lai vẫn chưa có hệ thống xử lý CTYT lỏng, BV tự xây dựng hố tự hoại, nằm phía sau BV. Theo nhân viên của BV, hố tự hoại chỉ lọc “thủ công” bằng than hoạt tính, vôi bột... Anh Nhang Văn Tùng, Điều dưỡng của BV nói: “Dịch, máu huyết của người bệnh đều đổ vào hố tự hoại. Hố này chưa đúng qui cách nên ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhưng chúng tôi cũng lực bất tòng tâm vì BV còn khó khăn về cơ sở vật chất. Hy vọng, BV mới 100 giường (đang xây dựng, dự kiến năm 2011 đưa vào sử dụng), hệ thống xử lý CTYT lỏng sẽ tốt hơn”.

Tương tự, hệ thống xử lý CTYT lỏng của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cờ Đỏ cũng chỉ là một cái hố tự hoại, lọc bằng vôi bột, than hoạt tính... dịch tiết người bệnh, nước thải sau khi sinh hoạt (tắm, rửa tay...) đều theo đường rãnh nhỏ chảy xuống hố tự hoại. Hố tự hoại bề ngoài trông giống như lavabo đặt nằm sát mặt đất. Hố đặt gần với lò đốt CTYT rắn. Bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc TTYT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Trung tâm còn khó khăn về cơ sở vật chất nên hệ thống xử lý CTYT lỏng vẫn chưa đúng qui cách, về lâu dài, nước thải sẽ thấm vào lòng đất, qua nguồn nước ngầm, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trung tâm đang thực hiện dự án xây dựng BV mới 100 giường, kinh phí khoảng 100 tỉ đồng tại thị trấn Cờ Đỏ, dự kiến nhanh nhất cũng mất 4-5 năm mới xây dựng xong. Khi đó, hệ thống xử lý CTYT lỏng sẽ được xây dựng song hành cùng với việc xây dựng BV mới”.

Tại BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, hệ thống xử lý CTYT lỏng được xây dựng từ năm 1995, đến nay đã xuống cấp. Bà Trần Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chánh cho biết: “Ở các khoa, phòng có xây dựng hố xử lý, sau đó CTYT lỏng mới gom lại tại hầm xử lý chung, rồi ra ao lắng lọc và thải ra môi trường...”. Khi chúng tôi hỏi về quy trình xử lý và chất lượng nước sau khi xử lý, bà Trần Thị Kim Dung cho biết: “Nước thải sau khi xử lý không đạt yêu cầu do còn ecoli nhiều quá. Năm 2002, có kế hoạch xây dựng hệ thống xử lý CTYT mới cho BV nhưng sau đó kế hoạch này bị đình lại. Hiện nay, đang triển khai xây dựng BV mới, dự kiến năm 2012 sẽ dời đi”.

Bức xúc, lo lắng nhất có lẽ là BV Mắt-Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ. BV này ở đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều-con đường nhộn nhịp với nhiều cửa hàng, công ty và nhà dân nhưng đến nay, BV vẫn chưa có hệ thống xử lý CTYT lỏng. Mỗi ngày, BV thải ra 30m3/ngày đêm, do không có hệ thống xử lý nên CTYT lỏng (không qua bất kỳ công đoạn xử lý bằng hóa chất hay thủ công nào) xả thẳng ra hệ thống cống công cộng của thành phố. Năm 2006, BV được đầu tư xây dựng, sửa chữa các khoa, phòng, trong đó đã triển khai tách hai hệ thống: chất thải sinh hoạt và CTYT riêng. BV cũng chừa một phần diện tích để xây dựng hầm xử lý CTYT lỏng nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV, cho biết: “BV cũng nhiều lần đề nghị xây dựng hệ thống xử lý CTYT lỏng nhưng chưa được xây dựng. Chúng tôi đi thăm dò giá cả để xây dựng hầm xử lý CTYT lỏng, kinh phí khoảng 450 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn, ngoài khả năng xây dựng của BV”.

* Có hệ thống xử lý CTYT lỏng nhưng không đạt chuẩn

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Cần Thơ, năm 2007, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đưa vào sử dụng hệ thống xử lý CTYT lỏng nhưng nay đã quá tải. Tương tự, hệ thống xử lý CTYT lỏng của BV Đa khoa TP Cần Thơ cũng đang quá tải. BV này được nâng lên từ một BV tuyến quận (200 giường) công suất của hệ thống xử lý CTYT lỏng chỉ có 81m3/ngày đêm. Trong khi đó, hiện nay, lượng BN nội trú tại BV dao động trong khoảng 500 bệnh nhân/ngày (chưa kể lượng bệnh nhân ngoại trú cũng không ngừng tăng) nên hệ thống xử lý CTYT lỏng bị quá tải. Vì thế, CTYT lỏng không đạt (coliform cao). Để khắc phục, Khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Đa khoa TP Cần Thơ phải bảo trì hệ thống định lượng của hệ thống xử lý CTYT lỏng để diệt vi khuẩn tốt hơn thì CTYT lỏng sau xử lý mới đạt theo quy định. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “BV cũng đã đề nghị cấp trên sớm triển khai nâng cấp hệ thống xử lý CTYT lỏng. Hiện nay, do quá tải, nên hệ thống xử lý CTYT lỏng phải hoạt động liên tục, thiết bị thường xuyên bị hỏng”.

Hiện nay, Trạm Quan trắc môi trường Sở Tài nguyên-Môi trường Cần Thơ, là đơn vị nhận xét nghiệm nhiều mẫu CTYT lỏng đã qua xử lý của các BV, TTYT. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trạm, cho biết: “Một số mẫu CTYT lỏng của BV không đạt tiêu chuẩn, do chất hữu cơ, ni-tơ tổng vượt quá quy định. Trước năm 1998, COD trong nước mặt dưới mức cho phép nhưng hiện nay lượng COD đã vượt quy định cho phép; trong đó không loại trừ có sự “tiếp tay” của CTYT lỏng từ các đơn vị y tế”.

Cũng theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, CTYT lỏng rất dễ xử lý, việc xây dựng hệ thống và vận hành tương đối đơn giản nhưng nhiều đơn vị sợ hao điện, tiếc tiền nên ít cho hệ thống vận hành. Một số đơn vị y tế cho rằng, BV sắp di dời nên không xây dựng hệ thống xử lý CTYT lỏng để đỡ tốn kém. Tuy nhiên, hệ thống xử lý CTYT lỏng vẫn có thể dời đi đến BV mới nếu được xây dựng bằng chất liệu inox. Nếu so sánh với việc xây dựng bằng bê tông thì đắt hơn từ 3-5 lần (tùy theo giá thị trường). Trạm Quan trắc môi trường sẵn sàng tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị y tế để hệ thống xử lý CTYT lỏng đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Hiện nay, một số đơn vị dùng cách lọc với cát, đá, than hoạt tính... để xử lý CTYT lỏng đều không đạt theo quy định. Nếu sử dụng phương pháp thủ công với cát, than... mà CTYT lỏng có thể đạt thì lượng nước thải phải ít (vài m3/ngày, diện tích xử lý phải thật rộng, nước chảy rỉ rả, vi sinh trong đất có thể xử lý). Với diện tích đất nhỏ như các đơn vị y tế hiện nay, buộc phải xây dựng hệ thống CTYT lỏng, có bộ phận sục khí, kích thích vi sinh hoạt động, từ đó “cưỡng bức” vi sinh xử lý, ăn chất hữu cơ.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh cũng cảnh báo: “CTYT lỏng ở BV có đủ loại vi trùng, thậm chí là kim loại nặng và cả phóng xạ. Chất thải này đổ tràn lan, cũng có khả năng gây ngấm vào mạch nước ngầm và nước bề mặt. Trong khi đó, đa số các mẫu nước ngầm được thu, phân tích, mẫu nào cũng có nhiễm coliform-vi khuẩn có trong đường ruột của con người. Nếu BV sử dụng nước ngầm nên lắng, lọc, tiệt trùng rồi mới sử dụng”.

Tổ tư vấn (Viện Công nghệ môi trường) xây dựng đề án xử lý CTYT cũng đánh giá: Về xử lý CTYT lỏng, nhiều BV, TTYT không có hệ thống xử lý, một số đơn vị có hệ thống xử lý nhưng hoạt động kém hiệu quả... Nguyên nhân do nguồn kinh phí eo hẹp, khó bố trí cho công tác vệ sinh môi trường, nhận thức về việc xử lý chất thải BV chưa cao... Sau khi khảo sát, Tổ tư vấn đã khái toán kinh phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống xử lý CTYT lỏng, với tổng mức đầu tư trên 23 tỉ đồng. Bao gồm việc xây mới hệ thống xử lý CTYT lỏng cho 16 BV, TTYT tuyến thành phố, quận, huyện và cải tạo hệ thống xử lý CTYT lỏng cho 3 BV, trung tâm.

Tuy nhiên, tính toán của Tổ tư vấn mới chỉ là khái toán, cần được đóng góp của các BV, chuyên gia và các sở, ban, ngành. Ông Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Phó Giám đốc Dự án Hỗ trợ y tế ĐBSCL tại TP Cần Thơ, cho biết: Việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải tại các trung tâm, BV là hết sức cần thiết. Các đơn vị y tế cần tiếp tục cung cấp thông tin để tổ tư vấn tính toán công suất xử lý chất thải phù hợp, từ đó có kế hoạch tìm nguồn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo việc giữ vệ sinh môi trường trên lĩnh vực y tế ở TP Cần Thơ được tốt hơn.

Mặc dù biết rõ mối nguy hại của CTYT lỏng nhưng ngành y tế chưa được bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống xử lý chất thải tại các đơn vị y tế. Giải pháp nào để xây dựng hệ thống xử lý CTYT tại các BV, TTYT đạt hiệu quả, bền vững đang là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng?

Bích Hoa

(Còn tiếp)

Bài 3: Giải pháp nào xử lý chất thải y tế?

Chia sẻ bài viết