23/07/2019 - 20:21

Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử 

(CT)- Ngày 23-7-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Tại điểm cầu Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện các sở ngành liên quan, dự Hội nghị.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu. Ảnh: VPCP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu. Ảnh: VPCP

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đặt lên hàng đầu vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng CPĐT. Những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, tỉnh, thành tập trung triển khai kết nối liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28 của Chính phủ; xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, khả năng sẵn sàng kết nối chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia...

Tháng 3-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ TP Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử; tất cả các bộ và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ. Cùng với việc ban hành thể chế, việc xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT được chú trọng thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác nghiên cứu xây dựng dự thảo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0, trình Thủ tướng Chính phủ. Trục liên thông văn bản quốc gia đã được khai trương, thống nhất việc nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về tài chính...  được ưu tiên triển khai. Song song đó là việc đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ giữa tháng 3 đến khoảng giữa tháng 7 này, đã có trên 68.200 văn bản gửi và 203.500 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được thiết lập; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và thiết lập Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai, như: xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Tính đến quý II-2019, các địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4…

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng đại diện các sở ngành liên quan tham dự hội nghị.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng đại diện các sở ngành liên quan tham dự hội nghị.

Ở TP Cần Thơ, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã; tích hợp việc thanh toán trực tuyến, kết nối qua hệ thống bưu điện, kết nối với trang mạng xã hội Zalo để tra cứu thông tin kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân, nộp hồ sơ trực tuyến... Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến TP Cần Thơ đã cung cấp 717 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... 

Tin, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết