21/06/2012 - 21:22

Bánh ú nước tro

Bánh ú nước tro đã được bóc vỏ. 

Bánh ú nước tro là một món ăn dân dã truyền thống trong kho tàng ẩm thực miền Tây. Ở các đô thị lớn giờ ít gặp nhưng ở nhiều chợ, nhất là chợ huyện, vẫn còn bày bán món bánh này. Mùng 5 Tháng 5, bánh ú nước tro được làm rất nhiều vì đây là món bánh không thể thiếu trên bàn cúng Tết Đoan ngọ của bà con.

Bánh ú nước tro thường có nhân ngọt hoặc không nhân. Đầu tiên người ta lấy từ tro củi, ngâm nước trong vòng một tháng. Sau đó, gạn lấy trong để làm bánh. Nếp phải là loại ngon, dẻo nhất ngâm trong nước nửa ngày rồi trộn với nước tro, để qua đêm. Sáng hôm sau, bà con ta mang nếp ngâm nước tro ra xả nước vài lần rồi để ráo. Sau đó, trộn một ít dầu ăn vào nếp để gói. Nhân bánh được làm từ đậu đỏ hoặc đậu xanh ngâm qua đêm cho nở rồi nấu chín và tán nhuyễn, cho lên bếp xào với dầu và đường cát.

Lá gói bánh ú nước tro phổ biến là lá tre có rất nhiều. Tùy theo kích cỡ lá mà bánh lớn, nhỏ khác nhau. Ngày xưa, bọn trẻ con chúng tôi rất thích ăn bánh ú nước tro loại không nhân được gói trong chiếc lá tre nhỏ xíu. Mỗi chùm buộc mười cái chung lại với nhau. Mỗi trẻ em có thể ăn 1-2 chùm. Bánh ú nước tro loại có nhân được làm bằng lá tre lớn. Khi bóc vỏ ra, chiếc lá tre mỏng tróc trơn tru khỏi bánh để nguyên màu vàng sẫm trong ruột thấy cả nhân. Nhiều người lâu ngày trở về quê, ăn cả chục bánh ú nước tro vẫn chưa thấy đã. Bánh dẻo quẹo và thơm, ngọt thanh trong miệng.

Bài, ảnh: Kỳ Miêu

Bài, ảnh: Kỳ Miêu

Chia sẻ bài viết