Bài, ảnh: ÁI LAM
Như đã thành thông lệ, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ hằng năm thường là nơi quy tụ nhiều loại bánh ngon từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, hội thi bánh là sân chơi ý nghĩa của các nghệ nhân để giới thiệu các loại bánh gia truyền, đặc sản quê nhà, lan tỏa tình yêu từ chiếc bánh quê đến du khách gần xa. Không chỉ gìn giữ tinh túy gia truyền mà ngày nay những nghệ nhân còn không ngừng sáng tạo mang đến diện mạo mới cho những chiếc bánh quê.
Lê Thị Hồng Đào (thứ hai từ trái) làm những chiếc bánh ít với tạo hình từ khuôn lá dừa.
Tại hội thi, anh Phạm Văn Phúc đến từ Hậu Giang gây ấn tượng với 3 loại bánh: bánh trái bí ngô, bánh mít bột lọc và bánh khóm thỏi vàng. Những chiếc bánh này đều được sáng tạo dựa trên các loại nông sản ở quê nhà. Anh Phúc nói: “Khóm là đặc sản của vùng quê Hậu Giang nên tôi sử dụng để làm món bánh khóm thỏi vàng. Còn bánh mít bột lọc ra đời trong đợt dịch COVID-19, khi đó mít rớt giá, có mấy đợt giải cứu. Thành thử, tôi nghĩ sao mình không làm gì có ý nghĩa, nên đã làm bánh mít bột lọc mang đến tiếp tế ở các trạm trực phòng, chống dịch”.
Mỗi loại bánh, anh Phúc đều kỳ công chế biến, thử nghiệm nhiều lần để tạo ra những chiếc bánh vừa đẹp mắt về tạo hình vừa giàu chất dinh dưỡng. Bánh khóm thỏi vàng có thành phần chính là khóm, bột nếp, đậu xanh, bánh được tạo hình thỏi vàng với mong muốn tài lộc, cũng như tấm lòng trân trọng của người dân Hậu Giang dành cho sản vật khóm. Với bánh bột lọc mít, anh Phúc không chỉ sáng tạo, làm mới bánh bột lọc mà còn tạo cho chiếc bánh có câu chuyện ý nghĩa khi đồng hành cùng người dân trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.
Hơn 20 năm gắn bó với công việc làm bánh, anh Phúc chia sẻ: “Học làm bánh vì tôi muốn gìn giữ những tinh túy trong ẩm thực Nam Bộ, đồng thời cũng không ngừng sáng tạo để làm mới những chiếc bánh quê cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Ví như bánh trái bí ngô rất giàu chất dinh dưỡng và phù hợp xu hướng ẩm thực hiện nay”. Bí ngô cũng là một loại nông sản phổ biến được trồng nhiều ở Hậu Giang và ý nghĩa của bí ngô chính là được mùa. Bí có nhiều chất dinh dưỡng vì thế anh Phúc lựa chọn bí kết hợp đậu xanh, sữa tươi và ít đường để làm thành món bánh trái bí ngô. Bánh khi chín có thể giữ lạnh để bánh dẻ và ngon hơn, phù hợp cho trẻ nhỏ và bổ sung dinh dưỡng cho người lớn tuổi cần hồi phục sức khỏe sau bệnh.
Cũng khai thác các sản vật quê nhà để làm bánh, chị Từ Thị Minh Vĩnh (Ðồng Tháp) mang đến hội thi những bánh đặc biệt được làm từ củ ấu. Chị Minh Vĩnh chia sẻ: “Lấp Vò nổi tiếng là xứ ấu nên tôi sử dụng bột củ ấu để làm các món bánh. Qua đó tôi muốn giới thiệu đến du khách gần xa những sản phẩm của quê hương Lấp Vò và Ðồng Tháp”. Theo chị Minh Vĩnh, bột củ ấu sẽ làm cho bánh có vị bùi, mềm và thơm tự nhiên. Khi dùng bột củ ấu làm bánh ít trần, bánh trôi nước thì da bánh sẽ không dai như bột nếp, bánh cũng có vị ngọt vừa tự nhiên. Tại hội thi lần này, chị Minh Vĩnh mang đến 3 loại bánh: bánh khọt nhân tép đậu xanh bột củ ấu, bánh ít trần nhân đậu xanh và hạt sen bột củ ấu, bánh trôi nước nhân đậu xanh và hạt sen bột củ ấu.
Có tay nghề hơn 50 năm làm bánh với trên 20 loại bánh truyền thống, chị Minh Vĩnh cho biết nghề bánh nhà chị đã qua 3 đời, chị học làm bánh từ ông nội. Chị nói: “Năm nào hội bánh tôi cũng dự thi vì mong muốn giới thiệu những chiếc bánh quê nhà đến với mọi người. Dù đã gần 60 tuổi nhưng tôi không ngại đường xa, không ngừng học hỏi để sáng tạo cho chiếc bánh quê đến gần du khách. Mỗi khi bánh của mình được khách biết đến, tôi vui lắm và càng trở thành động lực để tôi giữ nghề”.
Tương tự, chị Rô Phi Á (An Giang) bộc bạch: “Năm nào tổ chức lễ hội, hội bánh tôi đều tham gia. Bánh của người Chăm rất là nhiều và mỗi năm như thế tôi giới thiệu đến du khách 1-2 loại. Năm nay tôi mang đến hội thi bánh cay, loại bánh thường xuất hiện trong các dịp lễ tết của đồng bào người Chăm chúng tôi. Bánh này do ông bà xưa để lại, cỡ khoảng 120 năm về trước”. Bánh cay được xem là bánh mặn hiếm hoi trong các loại bánh truyền thống của người Chăm. Vì thế bánh rất được ưa chuộng. Ðặc trưng của bánh cay là sử dụng lá cà ri, ớt, hành để tạo hương vị cay nồng.
Hội bánh không chỉ thu hút những nghệ nhân lớn tuổi mà cả không ít người trẻ. Lê Thị Hồng Ðào là nghệ nhân trẻ gây chú ý khi mới chỉ 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ). Hồng Ðào mang đến hội thi món bánh ít gói lá dừa. Vẫn là hương vị truyền thống nhưng bánh ít được khoác lên chiếc áo mới với tạo hình mới từ khuôn lá dừa. Nghệ nhân trẻ Hồng Ðào cho biết: “Trước khi tập gói bánh ít, em gặp không ít khó khăn vì cách gói truyền thống. Sau đó, mẹ em đã nghĩ cách sao cho em có thể gói bánh dễ dàng hơn và từ đó khuôn bánh ít ra đời. Em kế thừa từ mẹ và kỳ vọng qua lần thi này, chiếc bánh nhà em sẽ đến được với du khách, nhất là những bạn trẻ”. Cũng là một nghệ nhân trẻ, Nguyễn Thị Hồng Ðoan (Phong Ðiền, TP Cần Thơ) rất tâm huyết với bánh quê, nói: “Ðây là năm thứ hai, tôi tham gia hội bánh. Khi dự thi tôi mong muốn có thể giới thiệu những món bánh truyền thống của quê nhà đến với mọi người. Các loại bánh tôi tham gia vừa giữ chất truyền thống nhưng cũng được khoác áo mới để phù hợp hiện đại, như là bánh bạc đầu ngũ sắc, bánh cuốn nhưn vịt xiêm”. Những loại bánh này đều sử dụng nguyên liệu màu thảo mộc, thay đổi một chút nguyên liệu, phương thức chế biến để phù hợp với xu hướng ăn uống “healthy” (tốt cho sức khỏe - PV) hiện nay”.
Có thể thấy, hội thi bánh năm nay có sự phong phú về các loại bánh, đa dạng màu sắc, như: bánh mãng cầu, bánh lá mướp, bánh trôi nước nhưn mặn, bánh quy dừa, bánh xèo hoa mít, bánh tằm khô Thới Long…với sự tham gia của nhiều thế hệ. Qua hội thi, bánh dân gian ngày càng được gìn giữ và phát huy qua sự sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân. Từ đó, bánh dân gian Nam Bộ cũng dần tạo được thương hiệu riêng trong lòng du khách.