Bà ngoại kể lại, khi xưa ông ngoại tôi là một thợ nấu ăn giỏi, từ bên Tàu theo đoàn người đi tìm đất sống. Nhóm người cùng làng quây quần chung sống với nhau ở một chợ Tổng (sau này đổi thành xã) tại một tỉnh nhỏ thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh ngày xưa.
Ông ngoại bắt đầu sự nghiệp bằng nghề thợ nấu. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên dần dần ngoại cũng mở được một tiệm tạp hóa nhỏ để nuôi con. Nhưng cái nghề nấu ăn vẫn được ông truyền lại cho má tôi và mấy dì mấy cậu. Trong số những món ăn chung ai cũng biết, ông ngoại còn có một loại bánh có thể coi là “gia truyền”, chỉ đám con trong nhà mới được truyền lại. Đó là món bánh bông lan bột nếp.
Thường thì người ta dùng bột mì để làm bánh bông lan cho dầu đó là cái bánh trong khuôn nhỏ xíu hoặc là ổ bánh có bắt bông kem mừng sinh nhật hay bánh cưới đi chăng nữa. Vậy nên, khi nhiều người quen tới nhà tôi vào dịp Tết hay lúc có tiệc tùng chiêu đãi... ăn được món bánh bông lan bột nếp của gia đình tôi, đều không khỏi tấm tắc khen ngon.
Thật ra, làm bánh bông lan bột nếp cũng không bí mật gì. Đơn giản là dùng bột nếp thay thế bột mì, vậy thôi. Muốn làm bánh, phải dùng nếp dẻo không cũ mà cũng không mới lắm (nếp cũ quá thì bột khô, nếp mới quá thì bột nhão không ngon). Nếp cũng được ngâm và xay để lấy bột như cách làm bột bình thường, xong rồi ngắt bột từng miếng nhỏ, phơi khô. Bắt đầu làm bánh, cậu Út tôi thường tự tay đâm bột thật nhuyễn. Sau đó dùng rây, rây lại nhiều lần để phần bột chuẩn bị làm bánh phải thật mịn. Ông ngoại không dùng cân để cân bột, đường mà dùng tô để lường. Cứ một tô trứng gà đã đập ra, xài luôn cả lòng trắng thì cần một tô đường và một tô bột. Thời ấy, ông ngoại không cần dùng thứ phụ gia nào để lấy mùi thơm, vậy mà, lúc ổ bánh đã chín vàng thì mùi thơm bốc lên ngào ngạt, làm đám con nít chúng tôi chỉ muốn được ăn liền.
Trứng gà khi đánh trong việm (*) (thời còn nhỏ, người ta chưa xài thau nhựa như bây giờ) cho thật nổi và xốp thì trộn nhẹ đường vào đánh tiếp. Chừng hỗn hợp trứng và đường đã nổi đều và hòa quyện vào nhau thì người ta gõ vào việm, tiếng kêu sẽ khác. Lúc đó, ta cho bột vào trộn nhẹ. Những ngày Tết, má tôi và cậu Út thường đổ và nướng bánh trong cái soong bằng đồng để có ổ bánh tròn tượng trưng cho nền đất. Khi nướng, cũng để lửa than trên nắp soong cho mặt bánh nổi vàng và đẹp. Thường thì ổ bánh đầu bao giờ cũng xấu và vì vậy, đám con nít chúng tôi rất mừng vì được ăn liền lúc đó. Những ổ sau, là những ổ đẹp, vàng đều. Má tôi chọn hai ổ đẹp nhứt để vào hai cái dĩa rồng xanh, đặt lên bàn thờ. Hai ổ bánh sẽ được yên vị trên ấy đến ngày hạ nêu.
Trong khi các loại bánh nướng bằng bột mì chỉ để được vài ngày đã khô và khó nuốt thì những ổ bánh bông lan bột nếp của ông ngoại tôi có thể để đến mười ngày. Lớp bột bên ngoài tuy hơi khô, nhưng khi cắt ra, bánh vẫn dẻo và ngon.
Sau ngày ông ngoại mất, má tôi và cậu Út đã thêm thắt đôi chút để ổ bánh ngày càng ngon hơn như thêm sữa và bớt đường. Dùng nho khô rải trên mặt bánh...
Và cho đến bây giờ, tuy thị trường không thiếu những loại bánh bông lan đủ màu đủ cỡ, có bông có hoa, có cây có cỏ trong ấy rất là bắt mắt, chị em chúng tôi vẫn theo nếp cũ nướng bánh bông lan bằng bột nếp. Trong dịp Tết và các ngày giỗ ông bà cùng ba má chúng tôi, mấy ổ bánh bông lan vẫn như một sự nhắc nhở về cội nguồn xưa và đó cũng là tấm lòng đám con cháu chúng tôi nhớ về ông bà Tiên Tổ.
TÂM TÂM
..................
(*) Việm: Giống như cái thau làm bằng đất nung, tráng men.