05/01/2018 - 21:05

Băn khoăn dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên 

Trong xu thế toàn cầu hóa, ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh và tiếng Pháp nói riêng có vai trò rất quan trọng. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) ở TP Cần Thơ đã, đang nỗ lực nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Nâng chuẩn ngoại ngữ sinh viên

Nguyễn Thu Hà, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, cho biết: “Bên cạnh chuyên môn, em đang học thêm Anh văn và được thầy cô tận tình truyền đạt kiến thức, kỹ năng; lãnh đạo nhà trường tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị”. Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ hiện có trên 6.000 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo. Từ năm đầu thành lập (năm 2013), lãnh đạo nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra sinh viên chính quy ở các ngành; trong đó có tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ. Như các trường ĐH khác, chương trình tiếng Anh căn bản (TACB) của trường theo quy định chung của Bộ GD&ĐT là 10 tín chỉ, với 3 học phần. Mỗi học phần đều có đề cương môn học riêng và thi kết thúc môn. Sau khi hoàn thành chương trình TACB, sinh viên có năng lực sử dụng tiếng Anh tương đương bậc A2. Ở tiếng Anh tăng cường, có 3 học phần (5 tín chỉ/ học phần): TOEIC 350, TOEIC 450 và TOEIC ôn. Theo lãnh đạo nhà trường, tùy mỗi khóa, quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên theo hướng tăng dần, như: Khóa 1, sinh viên phải đạt TOEIC 350/VSTEP A2; khóa 2, sinh viên phải đạt TOEIC 400/ VSTEP B1 và từ khóa 4 trở đi, sinh viên phải đạt TOEIC 450.

Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ học ngoại ngữ trên máy tính.Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ học ngoại ngữ trên máy tính.

Cô Tất Thiên Thư, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, cho biết: Sinh viên trúng tuyển phải trải qua kỳ kiểm tra tiếng Anh đầu vào. Trên cơ sở bài thi TOEIC, trường phân loại năng lực sinh viên để có chính sách miễn giảm. Bộ môn Anh văn thiết kế đề cương chi tiết các học phần và đảm nhận giảng dạy TACB. Trung tâm Ngoại ngữ chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy tiếng Anh tăng cường trong các học kỳ tiếp theo. Hằng năm, Trung tâm Ngoại ngữ phối hợp với IIG thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt thi TOEIC quốc tế phục vụ xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên năm cuối. 

Tại Trường ĐH Cần Thơ hiện có trên 50.000 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo; trong đó có trên 49.300 sinh viên đại học chính quy, vừa làm vừa học. Mỗi năm có 1.500 lượt sinh viên chính quy và 500 lượt sinh viên hệ vừa làm vừa học- văn bằng 2 học chương trình Pháp văn không chuyên. Chương trình Pháp văn không chuyên gồm 3 học phần (10 tín chỉ), với mục tiêu giúp sinh viên nắm vững tiếng Pháp (trình độ A2), đủ kiến thức, khả năng giao tiếp cơ bản. Còn chương trình TACB dành cho sinh viên không chuyên có 10 tín chỉ, với 3 học phần (tiếng Anh căn bản 1, 2 và 3). Chương trình đã được cải tiến, bổ sung phù hợp với yêu cầu về chuẩn đầu ra và nâng cao năng lực ngoại ngữ sinh viên khi tốt nghiệp ĐH; tương đương chuẩn bậc 2 (A2) theo khung chuẩn năng lực 6 bậc Việt Nam. Theo cô Lê Xuân Mai, Bộ môn TACB và chuyên ngành- Trường ĐH Cần Thơ, chương trình TACB của trường luôn điều chỉnh mục tiêu và cập nhật tài liệu giảng dạy phù hợp với yêu cầu của xã hội. nhà tuyển dụng. Kết quả khảo sát đánh giá của sinh viên về chương trình hiện tại là khá tốt.

Vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên hướng đến chuẩn đầu ra”, do Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức vừa qua, nhiều cán bộ, giảng viên ở các trường ĐH (Cần Thơ, Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, An Giang) đã thừa nhận thực tế: Hạn chế về trình độ ngoại ngữ là nguyên nhân chính của việc sinh viên tốt nghiệp bị nhà tuyển dụng từ chối khi tham gia phỏng vấn xin việc. Theo thầy Ngô Bá Hùng, Phó trưởng Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Cần Thơ, bên cạnh chuyên môn, khoa chú trọng đến việc trang bị kiến thức ngoại ngữ cho sinh viên, bởi sinh viên thường thất bại trong tìm việc không do hạn chế chuyên môn mà vì không đạt ngoại ngữ. Thầy Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ, ĐH Cần Thơ, nói: “Có một thực tế là sinh viên của khoa học lực trung bình- khá nhưng tiếng Anh giỏi, thì khả năng tìm được việc cao hơn khi tốt nghiệp ra trường”.

Khía cạnh khác, dù các trường ĐH đã đổi mới, cập nhật chương trình, tạo điều kiện để sinh viên nâng cao năng lực ngoại ngữ nhưng vẫn còn một bộ phận sinh viên xem nhẹ việc học ngoại ngữ (nhất là tiếng Pháp). Đây là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên không chuyên hạn chế về ngoại ngữ. Theo thầy Lê Thắng Cảnh, bộ môn Ngôn ngữ- Văn hóa Pháp (ĐH Cần Thơ), khó khăn hiện nay là nhiều sinh viên nghĩ rằng Pháp văn là môn phụ, do không tính vào điểm trung bình tích lũy mà chỉ tính vào điểm trung bình học kỳ để xét học bổng nên động cơ học tập chưa cao. Sĩ số lớp học còn đông (trên 50 em/ lớp); trình độ của người học có xuất phát điểm thấp, nhất là ở kỹ năng nghe nói… Thầy Cảnh đề xuất: Nhà trường cần nghiên cứu về việc ngoại ngữ là môn học chính để các em đầu tư học nghiêm túc hơn; tổ chức biên soạn các giáo trình phù hợp với từng trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu người học… Quan trọng hơn hết là sinh viên phải xác định đúng tầm quan trọng của năng lực ngoại ngữ. Đó là “chìa khóa” để các em xin được việc làm sau tốt nghiệp.

Thầy Ngô Bá Hùng, Phó trưởng Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Cần Thơ đề xuất: “Môi trường giúp sinh viên rèn luyện tiếng Anh rất quan trọng. Khoa Ngoại ngữ có thể tổ chức chương trình (liên quan đến ngoại ngữ), với quy mô lớn trong toàn trường. Qua đó tạo phong trào giao lưu trau dồi ngoại ngữ, khuyến khích tất cả sinh viên tham gia”. Hiến kế nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, cô Tất Thiên Thư cho rằng, từ kết quả đầu ra của sinh viên khóa 1 (chỉ gần 40% sinh viên đạt chuẩn đầu ra TOEIC), trường tổ chức nhiều hoạt động thực hành ngôn ngữ cho CLB tiếng Anh, như thi hùng biện, viết thư, báo cáo; lồng ghép dạy ngoại ngữ trong các môn học chuyên môn như yêu cầu sinh viên đọc sách tham khảo tiếng Anh,… 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, cán bộ, giảng viên các trường ĐH đề xuất cần nghiên cứu tăng số lượng tín chỉ, học phần ngoại ngữ. Giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho sinh viên động lực học tập; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu giữa sinh viên trường với sinh viên quốc tế… bởi tạo môi trường cho sinh viên luyện tập là vấn đề tiên quyết khi dạy và học ngôn ngữ thứ 2.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết