16/10/2021 - 19:29

Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 

(CT)- Ngày 15-10, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng ký ban hành Công văn số 2635/QÐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2021, Tết Nguyên đán năm 2022 ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 (sau đây viết tắt là Chương trình).

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Chương trình nhằm góp phần đảm bảo cân đối, cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về các mặt hàng thiết yếu thời gian cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022. Khuyến khích đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa trong Chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, trực tiếp.

Các mặt hàng tham gia Chương trình phải đảm bảo ít nhất một trong các nguyên tắc sau: các mặt hàng thiết yếu, cần đáp ứng số lượng lớn và thường xuyên cho thị trường trên địa bàn thành phố; có tính chất nhạy cảm về giá cả, cung - cầu, phải thu mua từ bên ngoài thành phố; các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán hoặc cần thiết đáp ứng cho nhân dân khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Các nhóm hàng tham gia chương trình: nhóm I gồm hàng lương thực, thực phẩm (gạo, mì ăn liền, thực phẩm chế biến các loại, trứng, thủy hải sản, rau củ quả), hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán (sữa, nước uống đóng chai, nước giải khát, bia, bánh, mứt, kẹo), hàng gia vị (đường, dầu ăn,..), sản phẩm tiêu dùng (chất tẩy rửa..); nhóm II là nhóm hàng liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…); nhóm III là nhiên liệu
(xăng, dầu).

Thời gian thực hiện Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 10 đến 31-12-2021; giai đoạn 2 từ ngày 1-1 đến 31-3-2022. Chương trình nhận được sự đăng ký tham gia của 32 doanh nghiệp với tổng giá trị dự trữ hàng hóa là 11.603 tỉ đồng. Trong đó, nhóm I 3.205 tỉ đồng, nhóm II  20.849 tỉ đồng, nhóm III trên 8.377 tỉ đồng. Doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tự có, Chương trình hỗ trợ kết nối với các ngân hàng trên địa bàn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để dự trữ hàng hóa. Việc phân phối được tổ chức tại các điểm bán hàng cố định của doanh nghiệp, tại các khu dân cư, khu công nghiệp, khu vực nông thôn, kết nối các bếp ăn tập thể.

Tin, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết