16/03/2016 - 21:11

Ban Giám đốc Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa buông lỏng quản lý?

Vừa qua, Tòa soạn Báo Cần Thơ nhận đơn của nhân viên Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa TP Cần Thơ (Nhà nuôi dưỡng), thuộc Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố phản ánh việc Ban giám đốc (BGĐ) nhà nuôi dưỡng quản lý, điều hành và xử lý công việc theo cảm tính, gây mất đoàn kết nội bộ. Bên cạnh đó, BGĐ còn tùy tiện sa thải nhân viên, đe dọa đòi cho các cụ diện bảo trợ xã hội về địa phương… Đặc biệt, BGĐ đã buông lỏng quản lý để hộ lý lớn tiếng, hành hạ các cụ…

* Thiếu kiểm tra, giám sát

Nhà nuôi dưỡng được thành lập trên 20 năm, trải qua nhiều "đời" giám đốc, mặc dù cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng việc chăm sóc các cụ luôn được duy trì rất tốt. Ngày 1-1-2012, bà Lê Thị Kim Bảy, Phó Chủ tịch Hội CTĐ TP Cần Thơ được phân công làm kiêm nhiệm Giám đốc Nhà nuôi dưỡng cho đến nay. Hiện, nhà nuôi dưỡng có 22 cán bộ, nhân viên, với 95 cụ (trong đó có 59 cụ diện bảo trợ xã hội, 36 cụ dịch vụ). Thời gian qua, có nhiều đơn thư và dư luận không tốt về việc các hộ lý Nhà nuôi dưỡng chăm sóc các cụ không chu đáo, có biểu hiện hành hạ, đánh các cụ. BGĐ biết sự việc nhưng xử lý thiếu khách quan, gây mất đoàn kết nội bộ...

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, nhân viên cấp dưỡng Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa TP Cần Thơ tường trình sự việc tại Tòa soạn Báo Cần Thơ.

Từ năm 2014, tại Nhà nuôi dưỡng đã xuất hiện tình trạng hộ lý đối xử với các cụ không nhẹ nhàng. Cuối tháng 8-2014, chị Nguyễn Thị Hồng Điểm (ngụ đường Mậu Thân, phường An Phú) do quá bức xúc với cách chăm sóc các cụ của hộ lý nơi đây đã làm đơn phản ánh đến BGĐ Nhà nuôi dưỡng. Do gia đình đơn chiếc nên chị phải gởi mẹ bị tai biến, nằm một chỗ vào Nhà nuôi dưỡng để được các hộ lý chăm sóc chu đáo hơn. Nhưng những lần chị đến thăm mẹ thì chứng kiến hộ lý Nguyễn Thị Kim Hà cầm ca nhôm rót nước từ trên xuống vào miệng một cụ già đang nằm và có lần cầm chân và tay của mẹ chị kéo chuyển qua giường khác làm chị rất đau lòng. Trước tình cảnh này, chị Điểm đã yêu cầu Nhà nuôi dưỡng không sắp xếp hộ lý Hà chăm sóc mẹ chị hoặc chuyển chị Hà sang làm bộ phận khác. Trong thư, chị Điểm tha thiết mong muốn Nhà nuôi dưỡng sẽ tạo được môi trường chăm sóc các cụ và mẹ chị thật ân cần, chu đáo để chị có thể yên tâm gởi mẹ tại đây. Qua đó, hộ lý Nguyễn Thị Kim Hà cũng đã có bản tự kiểm điểm (ngày 27-9-2014) thể hiện hành vi mạnh tay với các cụ, không thực hiện đúng nội quy của cơ quan.

Ông Lê Văn Giáp, ở Nhà nuôi dưỡng theo diện dịch vụ, phản ánh các hộ lý đánh, chửi các cụ thậm tệ. Tại đơn khiếu nại hộ lý Nguyễn Thị Kim Hà còn thể hiện sự việc đau lòng là hộ lý Lưu Thị Hồng Kiều dùng vòi nước xịt tắm cho các cụ… Không riêng chuyện hộ lý mà BGĐ cũng tỏ thái độ không tốt với các cụ. Cụ Huỳnh Thị Mỹ phàn nàn: "Từ cuối năm 2014, BGĐ nhà nuôi dưỡng trực tiếp là bà Kim Bảy đối xử với các cụ rất tệ, dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để chửi các cụ và đòi đưa trả các cụ về địa phương. Đã vậy, từ lúc bà Kim Bảy làm giám đốc thì khẩu phần ăn của các cụ rất sơ sài, không đủ chất…".

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Bảy, Giám đốc Nhà nuôi dưỡng, cho biết: "Thời gian qua, BGĐ có nhận được phản ánh của người thân các cụ về việc hộ lý chăm sóc mạnh tay. BGĐ đã họp kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn một số trường hợp khác thì rơi vào các cụ bị tai biến không ý thức được hành động của mình nên các cụ quơ tay, chân lung tung, hộ lý nếu có phản kháng thì chỉ là dùng tay đỡ để tự vệ! Chúng tôi có họp rút kinh nghiệm trong các cuộc họp giao ban".

Trước sự việc trên, Ban Kiểm tra Hội CTĐ TP Cần Thơ đã tiến hành xác minh và có báo cáo kết quả vào ngày 23-11-2015. Trong báo cáo này thể hiện "…việc to tiếng la mắng các cụ thỉnh thoảng vẫn có xảy ra do áp lực công việc (6 hộ lý phải chăm sóc hơn 90 đối tượng, kể cả đối tượng dịch vụ). Trường hợp ông Minh được cho là bị hộ lý Phượng đánh là có nhưng theo tìm hiểu, đây là phản ứng tự nhiên chống đỡ khi bị người khác đánh (do đối tượng luôn phản ứng và đánh các hộ lý khi được chăm sóc- có 5/6 hộ lý rơi vào trường hợp này). Đối với việc hộ lý Kiều dùng vòi xịt từ xa để tắm cụ là có thật… việc làm này chưa phù hợp với đạo lý và gây phản cảm với người xung quanh, nhất là ở thời điểm đó có khách đến thăm Nhà nuôi dưỡng".

* Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?

Theo phản ánh của bà Kim Hà và Bạch Tuyết, BGĐ Nhà nuôi dưỡng đã thực hiện chưa đúng pháp luật lao động, đối xử không công bằng giữa các nhân viên và đe dọa các cụ. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, BGĐ nhà nuôi dưỡng đã cho 5 nhân viên (bảo vệ, tạp vụ và cấp dưỡng) nghỉ việc. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (nhân viên cấp dưỡng), vào làm việc tại nhà nuôi dưỡng từ năm 2007 đến 31-12-2015 (mỗi năm ký hợp đồng đáo hạn 1 lần). Theo bà Tuyết, hằng năm bà đều phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để được tiếp tục ký hợp đồng lao động khi đáo hạn. Riêng tháng 11-2015, bà có xin BGĐ cho nghỉ phép năm để nuôi đứa em đang điều trị bệnh ở TP Hồ Chí Minh, nhưng bà vẫn bị BGĐ trừ lương. Đến họp xét thi đua cuối năm 2015 của cơ quan, bà tự nhận là không hoàn thành nhiệm vụ do nghỉ nhiều ngày trong tháng, nhưng tập thể xét nâng lên cho bà hoàn thành nhiệm vụ năm 2015 nên không phải làm bản kiểm điểm.

Tuy nhiên, tại cuộc họp lúc 16giờ 50 phút (ngày 4-1-2016), bà Lê Thị Kim Bảy, Giám đốc Nhà nuôi dưỡng nói: BGĐ đã xin ý kiến Ban Thường trực Thành hội là BGĐ sẽ xem xét đáo hạn hợp đồng cho các cá nhân có vi phạm trong năm qua là 3 người, gồm: bà Kim Hà (hộ lý), Bạch Tuyết (cấp dưỡng) và ông Chiến (bảo vệ). Nếu anh chị muốn tiếp tục làm việc thì viết cam kết và ký hợp đồng… Bà Bạch Tuyết không đồng ý viết cam kết và đề nghị Hội CTĐ thành phố giải quyết thỏa đáng.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết bức xúc: "Trong khi tôi đang chờ Thành hội giải quyết thỏa đáng thì ngày 15-1-2016, tôi rất bất ngờ khi nhận được thông báo số 01/TB.NND của Nhà nuôi dưỡng về việc chấm dứt hợp đồng lao động với tôi kể từ tháng 2-2016, do bà Lê Thị Kim Bảy ký. Đến ngày 15-2-2016, bà Kim Bảy tiếp tục ký quyết định số 01/QĐ.NND về việc chấm dứt hợp đồng lao động với tôi mà không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào khác".

Trường hợp chị Nguyễn Thị Diễm Thúy, vào làm nhân viên tạp vụ từ năm 2013, được BGĐ cho chị Thúy ký hợp đồng theo từng năm, do biết quá nhiều việc làm của BGĐ nên chuyển chị Thúy sang làm hộ lý và ký hợp đồng lao động 3 tháng, hết hạn BGĐ cũng chấm dứt hợp đồng luôn. Chị Diễm Thúy nói: Lý do tôi bị sa thải là vì tôi phát hiện chuyện nhà hảo tâm đến cho 8 bao gạo (mỗi bao 50kg) để tại văn phòng nhưng không cần ghi vào sổ vàng của cơ quan và bị đem đi bán. Sau khi tôi phát hiện, bà Kim Bảy và bà Đoàn Thu Vân (Phó Giám đốc) dùng lời lẽ rất tình cảm để thuyết phục tôi chuyển sang làm hộ lý và ký lại hợp đồng lao động có thời hạn 3 tháng, mức thu nhập sẽ cao hơn, khi hết hạn hợp đồng, BGĐ liền cho tôi nghỉ việc".

Bà Lê Thị Kim Bảy, Giám đốc Nhà nuôi dưỡng, cho biết: "Việc cho nhân viên ký hợp đồng lao động từng năm là căn cứ theo quy chế của Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ và Nhà nuôi dưỡng được thực hiện trên 20 năm qua nên tôi áp dụng theo. Còn việc ký hợp đồng đáo hạn 3 tháng hoặc 6 tháng (để thử thách) là BGĐ thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành hội. Qua 3 lần thỏa thuận không thành, chị Tuyết không chịu ký hợp đồng nên 6 tháng BGĐ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Bạch Tuyết là đúng quy định của pháp luật lao động".

Theo quy định tại Điều 22 Bộ Luật Lao động năm 2012, hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên...

Đối chiếu với quy định này, thì việc Nhà nuôi dưỡng ký kết hợp đồng theo từng năm đối với chị Bạch Tuyết và những người lao động khác là vi phạm các quy định của Bộ Luật Lao động. Vì vậy, việc bà Kim Bảy cho rằng quy định này đã áp dụng trên 20 năm qua thì các ngành chức năng, nhất là Thanh tra lao động hay Liên đoàn Lao động cần có sự kiểm tra, xem xét lại việc vi phạm quyền lợi của người lao động tại Nhà nuôi dưỡng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thiện Hữu, Trưởng Ban kiểm tra thuộc Hội CTĐ TP Cần Thơ, cho biết: "Ngày 26-11-2015, Ban kiểm tra tổ chức 2 buổi báo cáo công khai với BGĐ và nhân viên nhà nuôi dưỡng về kết quả kiểm tra đơn phản ánh, bà Lê Thị Kim Bảy, Giám đốc nhà nuôi dưỡng đã nhận thiếu sót, hứa sẽ rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Trong quá trình xác minh đơn phản ánh của chị Kim Hà, Ban Kiểm tra tiếp tục nhận đơn phản ánh của chị Bạch Tuyết. Trong thời gian Ban kiểm tra báo cáo và xin ý kiến của Chủ tịch Hội CTĐ thành phố để có chỉ đạo xử lý đơn phản ánh của chị Tuyết, thì ngày 15-1-2016, BGĐ Nhà nuôi dưỡng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Tuyết. Để đáp ứng búc xúc của người lao động, Chủ tịch Hội CTĐ thành phố chỉ đạo Ban kiểm tra tiến hành kiểm tra toàn diện các hoạt động tại Nhà nuôi dưỡng. Cụ thể, về hợp đồng lao động của cán bộ, nhân viên; việc thực hiện chế độ chính sách; thu, chi các nguồn quỹ; đồng thời kết hợp, xác minh và làm rõ đơn của chị Bạch Tuyết và nhân viên; các cụ già đang sinh sống tại nhà nuôi dưỡng (bao gồm cả đối tượng bảo trợ xã hội và dịch vụ)".

Qua phản ánh của các cụ và nhân viên của Nhà nuôi dưỡng cho thấy, việc điều hành và xử lý công việc theo cảm tính, thiếu kiểm tra, giám sát… của BGĐ nhà nuôi dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Bên cạnh đó, tại đây cũng còn một số khuất tất trong việc thu, chi các nguồn quỹ cần được các ngành chức năng kiểm tra làm rõ.

Bài, ảnh: Xuân Đào

Chia sẻ bài viết