09/06/2017 - 09:25

Ảo tưởng

Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, giỏi, nên không ít bạn trẻ ảo tưởng về năng lực bản thân, đòi hỏi quá nhiều từ nhà tuyển dụng. Trong khi đó, kỹ năng "mềm", kinh nghiệm làm việc và kiến thức thực tế của một số bạn trẻ còn hạn chế. Đó là lý do khiến nhiều bạn trẻ thường xuyên "nhảy việc". Ảo tưởng hoặc tự thổi phồng giá trị bản thân là điểm trừ của lao động trẻ trong mắt nhà tuyển dụng và phần nào gây mất thiện cảm với đồng nghiệp, bạn bè...

Giỏi nên… "nhảy việc"

Tốt nghiệp bậc cao đẳng ngành kế toán, Nguyễn Hiền Du (quận Ninh Kiều) xin một "chân" trong công ty truyền thông tại TP Cần Thơ. Ngoại hình cao ráo, dễ nhìn, Du được công ty giao thêm việc ngoại giao với nhiều đối tác, khách hàng. Vì nghĩ mình giỏi nên được ưu ái, Du tự cho mình là "trung tâm", tỏ vẻ xem thường đồng nghiệp. Đôi lần anh còn so sánh mức lương của mình với các công ty khác để đề nghị được tăng lương dù chưa hết thời gian tập sự. Khi đề nghị của Du không được công ty chấp thuận cũng là lúc anh bắt đầu chểnh mảng công việc, viện lý do tiếp khách hàng để đi trễ, hoặc có những nhận xét không đúng mực về lãnh đạo, đồng nghiệp trong công ty. Vốn có tâm lý "đứng núi này trông núi nọ", Du xin nghỉ việc để đầu quân cho công ty khác. Cứ thế, 3 năm kể từ khi ra trường, Du đã "nhảy việc" 3 lần, với lý do môi trường làm việc không chuyên nghiệp, ít sáng tạo và không được lãnh đạo, đồng nghiệp tiếp thu góp ý.

Tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc làm. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ thực hành. Ảnh: CTV

Trần Thị Ngọc Bích (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), tốt nghiệp loại Giỏi ngành Kinh tế học tại một trường đại học lớn ở TP Cần Thơ. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, sau khi tốt nghiệp, Bích nộp đơn xin việc nhiều công ty khác nhau. Bích chọn việc theo tiêu chí: công ty có thương hiệu, quy mô, môi trường chuyên nghiệp và mức lương khá để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, qua nhiều lần phỏng vấn, Bích đều không trúng tuyển. Điều đáng nói, khi được bạn bè giới thiệu vào làm tại một số công ty tư nhân, Bích đều chê công ty nhỏ, không phát huy hết kiến thức nên cô vẫn thất nghiệp sau hai năm tốt nghiệp. Mới đây, được người quen giới thiệu, cô làm nhân viên kinh doanh tại một công ty sản xuất thức ăn gia súc. Bích tâm sự: "Giờ tôi mới thấm thía, sinh viên vừa tốt nghiệp không nên chê việc các bạn cần làm những việc mình yêu thích dù ở công ty nhỏ để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và mở rộng mối quan hệ xã hội, chuẩn bị hành trang tốt nhất để đi xa hơn".

Rèn tác phong chuyên nghiệp

Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nhân viên Công ty sản xuất tôm giống thuốc thủy sản (quận Ninh Kiều), chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ngành Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, Hạnh xin làm nhân viên phụ trách mảng môi trường. Tuy làm công ty nhỏ nhưng Hạnh tự nhận thấy còn hạn chế tin học, kỹ năng mềm. Dù vẫn hoàn thành công việc, nhưng Hạnh gặp không ít khó khăn khi được công ty phân công một số việc khác như: thiết kế nhãn thuốc, catalogue… Vì vậy, ngoài giờ làm việc, Hạnh đăng ký học thêm thiết kế đồ họa. Theo Hạnh, kiến thức học ở trường chỉ là nền tảng cơ bản của quá trình khởi nghiệp. Thực tế thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, bên cạnh kiến thức chuyên môn, lao động trẻ cần trau dồi kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ. Nói cách khác, lao động trẻ cần chuyên nghiệp hơn trước khi đòi hỏi môi trường làm việc chuyên nghiệp. Theo ông Nguyễn Thành Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành (quận Ninh Kiều), nhiều lao động trẻ đòi hỏi mức lương cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, mới tương xứng với bằng cấp dày công trang bị. Hiện khá nhiều lao động trẻ tâm lý ngại khó, sợ thử thách và chê việc. Một số lao động trẻ thích công việc nhàn hạ, muốn ngồi phòng máy lạnh, làm việc tại thành phố. Hoặc một số bạn đang giai đoạn thử việc lại đòi hỏi lương cao, trong khi chưa chứng minh được năng lực, hiệu quả công việc. Nhiều nhà tuyển dụng cũng chia sẻ, hiện lao động trẻ còn hạn chế kỹ năng mềm, ý thức kỷ luật và tác phong làm việc.

Để giúp lao động trẻ nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn - Hội tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng cho thanh niên, sinh viên. Tiêu biểu như: chương trình "Tác phong công nghiệp học đường"; hành trình "Sinh viên với doanh nhân"; tham quan các doanh nghiệp, cùng nhiều hoạt động tư vấn nghề nghiệp, khởi sự doanh nghiệp… Qua đó, góp phần giúp lao động trẻ ý thức hơn việc trau dồi kỹ năng "mềm", nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường lao động đang trong quá trình hội nhập.l

DÂN AN

Chia sẻ bài viết