12/04/2022 - 20:21

89,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương 

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái tốt. Cùng với đà phục hồi của cả 3 khu vực kinh tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng năm 2022 tình hình kinh doanh cải thiện so với năm 2021.

Lạc quan trước đà phục hồi kinh tế

89,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương. Ảnh: G.B

Vụ dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II-2022. Theo đó, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I-2022 có sự “cải thiện” so với quý trước nhưng chưa được như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, 73,1-80,8% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.

Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tùy diễn biến của nền kinh tế, có thể điều chỉnh mức tăng trưởng này cho phù hợp thực tế. Theo lãnh đạo NHNN, chỉ trong quý I năm nay, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 5,04%, so với cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 2,16%. Chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tốt, việc mở cửa du lịch trong tháng 3-2022 đã thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, dịch vụ, thương mại… và tăng niềm tin kỳ vọng cho các doanh nghiệp.

Kết quả điều tra cho thấy, nhu cầu tổng thể của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu vay vốn, thanh toán, gửi tiền) trong quý I-2022 được các TCTD nhận định tiếp tục xu hướng phục hồi và duy trì đà tăng kể từ quý IV-2021, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện mạnh nhất. Đây là tín hiệu tích cực, khác với xu thế chung của các năm từ 2018-2021 với việc nhu cầu khách hàng thường tăng mạnh trong quý cuối năm và giảm tốc trở lại trong 3 quý đầu năm sau. Trên cơ sở đó, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục “tăng” trong quý II-2022 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Song song đó, các TCTD cũng dự kiến tình hình thanh khoản trong quý II năm nay “cải thiện” ở mức độ cao hơn quý I và kỳ vọng tiếp tục “cải thiện” trong năm 2022 so với năm 2021 đối với cả VNĐ và ngoại tệ.

Cuối năm 2021, nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt, hầu hết các ngành, lĩnh vực trên đà tăng trở lại nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt và các chương trình hỗ trợ, sự chủ động trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt. Mức độ lạc quan của các TCTD về tình hình kinh doanh năm 2022 cũng cho thấy điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ phù hợp với diễn biến thực tế. Cùng với đó, những dự báo lạc quan của Ngân hàng Thế giới và của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về đà phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam có triển vọng tốt hơn trong khu vực Đông Nam Á.

Các TCTD kỳ vọng kinh doanh tốt hơn năm 2021. Ảnh: G.B

Kỳ vọng rủi ro giảm

Để hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Kết quả điều tra của Vụ dự báo, thống kê, các TCTD cho biết tiếp tục thu hẹp xu hướng điều chỉnh “giảm” giá bình quân sản phẩm, dịch vụ trong quý I và dự kiến giữ nguyên hoặc điều chỉnh “tăng” rất nhẹ giá bình quân sản phẩm, dịch vụ trong quý II-2022. Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt”. Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03-0,06 điểm phần trăm trong quý II này và 0,13-0,18 điểm phần trăm cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động.

Các TCTD cũng kỳ vọng, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục xu hướng tăng chậm lại và tương đối ổn định so với quý trước. Tính chung cả năm 2022, mặt bằng rủi ro được kỳ vọng duy trì ổn định, ít thay đổi và có xu hướng cải thiện tích cực hơn so với diễn biến của năm 2021, trong đó, nhóm khách hàng cá nhân được dự báo đạt mức cải thiện tốt nhất về mặt bằng rủi ro.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,6% trong quý II và tăng 11,4% trong năm 2022 (điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% tại kỳ điều tra trước). Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II và tăng 14,1 % trong năm 2022 (tương đương mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước).

Trong quý II, 57,7% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý I-2022, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ” (56,7% TCTD lựa chọn), 33,7% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 8,7% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. Các TCTD cũng điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của năm 2022 so với kỳ điều tra trước, trong đó 89,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021 (điều chỉnh giảm so với tỷ lệ 95% TCTD dự kiến tại kỳ điều tra trước). Và vẫn có 5,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Theo các TCTD, trong số các nhân tố khách quan, “Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I và dự kiến cả năm 2022. Trong khi đó, “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD.

Cùng với kỳ vọng kinh doanh tốt lên, các TCTD cũng nhận định, nợ xấu sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý II. Theo lãnh đạo NHNN, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, số nợ xấu đã được xử lý là 380.000 tỉ đồng. NHNN cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các TCTD kiểm soát dòng tiền ra thị trường, hạn chế tín dụng đi vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… nhằm duy trì thanh khoản tốt và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế nợ xấu phát sinh.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết