01/07/2015 - 10:12

62 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh ĐBSCL

(CT)- Trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL, hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL 2015 do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, diễn ra vào ngày 30-6, tại khách sạn Mường Thanh, TP Cần Thơ. Tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Lê Hùng Dũng – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Tổng lãnh sự các nước: Nga, Nhật, Hàn Quốc…; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Ông Lê Văn Tâm (trái), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ nhận Chứng nhận đầu tư từ Đại diện Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam.

Hội nghị là cơ hội trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm định hướng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư du lịch; đây cũng là dịp để các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tương tác, liên kết với các vùng miền trên cả nước, các quốc gia trong việc phát triển du lịch cũng như đầu tư trên các lĩnh vực khác. Hội nghị có 62 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh ĐBSCL với tổng số vốn kêu gọi đầu tư là 11.862,5 tỉ đồng và 714,9 triệu USD. Đây là những dự án trọng điểm về du lịch của vùng như: Khu du lịch sinh thái Cồn Khương, Phong Điền (Cần Thơ); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Phụng, Cồn Quy (Bến Tre); khu du lịch sinh thái ven biển Gành Hào (Bạc Liêu); khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên (An Giang); khu du lịch Quần đảo Bà Lụa (Kiên Giang)…

Tại hội nghị, đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đưa ra giải pháp định hướng phát triển du lịch bền vững, đó là: các địa phương phải có sự quy hoạch sản phẩm du lịch trên cơ sở đặc điểm chung của vùng, tạo ra nét đặc trưng riêng; cần lập kế hoạch đầu tư hạ tầng gắn với du lịch, từ đó huy động các nguồn lực xã hội, nhà nước để đầu tư đồng bộ, hiện đại; cần có sự liên kết giữa các địa phương, hạn chế chồng chéo, tạo được sản phẩm đặc trưng, xây dựng thương hiệu; phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch có trách nhiệm, gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Về đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư theo đúng pháp luật; đồng thời cải cách hành chính mạnh mẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, tính cạnh tranh cao, lành mạnh.

Dịp này, hội nghị tổ chức trao chứng nhận đầu tư cho các dự án: khu du lịch sinh thái Quốc tế (Cà Mau), dự án du lịch sinh thái Trường Huy (Vĩnh Long), dự án Trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Cần Thơ (Cần Thơ). Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án triển khai ở Kiên Giang và TP Cần Thơ với số tiền cam kết cho vay trên 980 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch: xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn…

Tin, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết