22/12/2010 - 14:58

KẾT THÚC ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NGOẠI THÀNH VÀ CHIẾN SĨ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG XUẤT NGŨ TP CẦN THƠ” GIAI ĐOẠN 2006-2010:

5 năm, đào tạo nghề cho hơn 20.600 lao động...

Lớp dạy nghề may gia dụng miễn phí ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Tháng 11-2010, sau 5 năm triển khai, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ TP Cần Thơ giai đoạn 2006-2010” (gọi tắt là Đề án ĐTN 2006-2010) đã kết thúc. Quá trình này không dài nhưng cũng đủ để các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương học hỏi và trải nghiệm để góp phần thúc đẩy công tác đào tạo nghề của TP Cần Thơ thời gian tới…

Hành trình 5 năm

Báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Ô Môn cho thấy, 5 năm qua, toàn quận có 2.631 lao động tham gia 83 lớp dạy nghề. Trong đó, có 6 lớp Trung cấp nghề, còn lại chủ yếu đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng miễn phí. Với danh mục đào tạo 18 nghề, quận Ô Môn bám sát kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương để mở các nghề phù hợp, như: May gia dụng, uốn tóc, đan thảm vải, kết cườm, sửa xe gắn máy, sửa chữa điện thoại di động, xây dựng...

Theo ông Nguyễn Quang Nhã, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, đến nay, quận đã cơ bản hoàn thành kế hoạch mở lớp, huy động học viên có nhu cầu học nghề, tìm việc làm. Đạt được kết quả này là sự kết hợp kịp thời, trách nhiệm từ quận đến khu vực, tạo khí thế học nghề ở các phường. Hầu hết các phường đều quan tâm tạo điều kiện mở lớp, phân công trách nhiệm cho các đoàn thể chức năng theo dõi, quản lý lớp. Trong đó, đăng ký mở lớp nhiều nhất là phường Thới Long; giải quyết việc làm đạt hiệu quả nhất là phường Phước Thới với mô hình nghề may gia dụng và xây dựng.

Tập trung trang bị nghề phục vụ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, ngành nghề, 5 năm qua, quận Cái Răng đã mở 60 lớp dạy các nghề: may gia dụng, đan đát, sửa xe gắn máy, trồng hoa kiểng, điện dân dụng... cho 1.860 lao động các phường. Sau khi học nghề, học viên được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tự tạo việc làm tại gia đình. Một số vào làm việc cho các hợp tác xã, tổ gia công, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài địa bàn. Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Cái Răng, quận đạt kế hoạch đào tạo nghề từng năm là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Quận ủy, UBND, sự kết hợp của các ngành, hội, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền vận động... lao động học nghề, quản lý học viên... Quận cũng đánh giá cao trách nhiệm của hội, đoàn thể các cấp trong việc nỗ lực tìm các giải pháp để giúp học viên có việc làm sau học nghề, khuyến khích xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Nhiều lao động nữ được học nghề đan đát miễn phí và gia công sản phẩm cho Hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Kim Hưng.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, với kinh phí hỗ trợ trên 29,2 tỉ đồng (trong đó kinh phí Trung ương trên 7,3 tỉ đồng, còn lại là kinh phí thành phố), giai đoạn 2006-2010, toàn thành phố có trên 20.600 lao động thuộc nhiều đối tượng chính sách, xã hội theo học trung cấp nghề và nghề ngắn hạn. Đề án huy động 30 đơn vị đào tạo tham gia dạy nghề. Các đơn vị đào tạo đồng loạt triển khai dạy 28 nghề gồm nhóm nghề nông nghiệp (chiếm 26%) và nhóm nghề phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (chiếm 74%). Nhiều nhất là các lớp nghề: may gia dụng, đan đát, chăn nuôi thú y, sửa chữa xe gắn máy, xây dựng, tin học, may công nghiệp… được tổ chức theo hình thức lưu động tại các xã, phường. Đã có nhiều mô hình việc làm hiệu quả ở các địa phương, như: đan lục bình (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền), nuôi cá (xã Thới Đông, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ), chăn nuôi thú y, trồng trọt (xã Thạnh Thắng, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh), may gia công, xây dựng (phường Tân Phú, quận Cái Răng), trồng hoa kiểng, kết cườm (phường Long Tuyền, phường Trà An, quận Bình Thủy), nuôi trồng thủy sản (phường Thới An, quận Ô Môn)...

Đúc kết kinh nghiệm

Có thể nói, Đề án ĐTN 2006-2010 đã tạo được khí thế lao động, góp phần thúc đẩy công tác dạy nghề, giải quyết việc làm ở các quận, huyện. Qua đề án, đã có nhiều lao động, đa số là lao động nông thôn hạn chế trình độ học vấn, có cơ hội được học nghề phù hợp và có việc làm. Từ đó, các địa phương tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm cũng như tỷ lệ hộ nghèo từng năm. Khi tiếp nhận đề án, các quận, huyện đều chủ động triển khai đến các xã, phường, thị trấn; khảo sát, huy động học viên; bố trí địa điểm, cán bộ tổ chức và quản lý lớp học. Người lao động được học nghề miễn phí và được cấp tiền bồi dưỡng mỗi ngày trong suốt thời gian học nghề. Qua đó, nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của việc học nghề, có việc làm đối với phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án vẫn còn những hạn chế nhất định. Từng lúc, từng nơi, công tác phối hợp giữa các cơ quan và địa phương chưa chặt chẽ, chưa xây dựng mô hình chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Việc chọn nghề để đăng ký nhu cầu đào tạo còn tự phát, chưa khoa học, cũng như chưa gắn chặt với định hướng phát triển của địa phương nên chưa phát huy hiệu quả giải quyết việc làm. Nội dung chương trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Giáo viên thiếu kinh nghiệm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề hạn chế. Chưa huy động được doanh nghiệp tham gia dạy nghề và tiếp nhận lao động theo yêu cầu. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động trình độ học vấn, nhận thức hạn chế, còn ngại khó, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước, chưa xác định động cơ học nghề đúng đắn, đăng ký ngành học không dựa vào khả năng, sở thích, gia cảnh... nên không đạt mục đích việc làm sau đào tạo.

Đề án ĐTN 2006-2010 đã góp phần tăng dần số lao động được học nghề từng năm và góp phần nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN toàn thành phố trên 42% đến cuối năm 2010. Với những kết quả đáng khích lệ đó, thành phố đủ thực lực để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020”, từ sự khâu khảo sát thực trạng lao động, nhu cầu việc làm đến vận dụng kinh phí thực hiện. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN của thành phố trên 50% vào năm 2020, cung ứng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, sáng tạo, năng động.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết