12/07/2019 - 13:47

19 câu hỏi liên quan ngành giao thông 

(CTO)- Sáng 12-7, phiên chất vấn ngày họp thứ ba kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Cần Thơ khóa IX, tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lê Tiến Dũng.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT giải trình các vấn đề cử tri thắc mắc về giao thông.

Có 12 lượt đại biểu với 19 câu hỏi liên quan đến ngành giao thông, đó là: thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông, chống ùn tắc giao thông, nhất là khu vực nội ô; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện vận tải, phát triển xe buýt công cộng; quản lý xe quá tải quá khổ vào địa bàn quận trung tâm…

Trong 6 tháng đầu năm 2019 thành phố xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 57 người, bị thương 15 người.

Về số vụ tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2018; số người chết tăng 21,3%; số người bị thương tăng 15,3%.

Địa bàn xảy ra tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ: Cái Răng, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Bình Thủy, Thới Lai; giảm so với cùng kỳ: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Phong Điền.

 

Số vụ TNGT tăng

Ông Lê Tiến Dũng, cho biết: Thành phố chưa có các bến bãi đỗ xe, nhất là trên địa bàn quận Ninh Kiều. Tổ chức giao thông chưa thông minh và chưa đáp ứng yêu cầu lưu thông của các phương tiện; chưa có Trung tâm điều hành quản lý chung, việc gắn kết dữ liệu kết nối hệ thống điều khiển, giám sát bằng camera các phương tiện lưu thông chủ yếu thủ công…

Bên cạnh đó, ý thức thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn rất hạn chế; sự chủ quan, tùy tiện của một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông khá phổ biến. Có 70-80% các vụ TNGT có liên quan đến lỗi chủ quan của người tham gia giao thông (trong đó sử dụng rượu bia chiếm 20%).

Theo ông Dũng, nguyên nhân khác là do mật độ lưu thông của phương tiện trên địa bàn thành phố tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm có 27.859 xe đăng ký mới, tăng gần 28% so cùng kỳ; nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 839.0000 xe, tốc độ tăng bình quân xe ô tô là 12%, xe máy 6%/năm.

Nguyên nhân nữa là do Cần Thơ là đô thị trung tâm ĐBSCL, các phương tiện về thành phố tăng nhanh, tạo áp lực cho đầu tư các công trình giao thông, quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị còn hạn chế 15%, trong khi quy định của Chính phủ 23-26%; mặt cắt ngang đường một số trục chính nhỏ, hẹp, phải bố trí xe ô tô và xe máy đi cùng làn đường. Một số tuyến đường và một số nút giao thông quá tải, ùn tắc giờ cao điểm.

Trong khi đó, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư một số công trình tiến độ chậm; giải quyết các điểm đen giao thông chưa kịp thời; vốn đầu tư cho các công trình giao thông thiếu: QL 80 nhỏ hẹp, tai nạn nhỏ hẹp dự kiến bố trí 25 tỷ đồng năm 2019 nhưng Tổng cục đường bộ chỉ bố trí 5 tỷ đồng; đường Nam Sông Hậu dự kiến bố trí 30 tỷ đồng, trung ương bố trí 5 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, việc tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố chưa thông minh, chủ yếu xử lý thủ công; công tác quy hoạch giao thông ở khu vực trường học, bến xe, KCN chưa đáp ứng yêu cầu mật độ lưu thông. Công tác tuần tra, quản lý của thanh tra giao thông và lực lượng công an khó bao hết địa bàn, do quản lý tới 3.300km bộ và gần 1.000km đường thủy nội địa.

Ông Dũng cũng nêu giải pháp thời gian tới sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, địa phương tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT): phát tờ rơi, xử phạt hành vi vi phạm giao thông; thông báo tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng trên một số tuyến đường để người dân ý thức hơn. Rà soát các điểm đen tiềm ẩn TNGT kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải quyết. Sở đã khảo sát có 31 điểm đen tiềm ẩn TNGT, kinh phí khắc phục khoảng 14 tỷ đồng và đang trình UBND thành phố bố trí vốn để giao các địa phương xử lý các điểm đen.

Đồng thời đã quy hoạch bãi đỗ xe, quy mô 500 xe để giải quyết triệt để đậu xe ở các lòng đường; dự kiến năm 2020 đưa vào sử dụng. Phối hợp Sở Xây dựng tham mưu cho thành phố quy hoạch phân khu ở các quận huyện, phải dành quỹ đất từ 23-25%; đối với các trục chính, trục khu vực, trục vành đai phải dành quỹ đất cho phát triển giao thông đường bộ trên cao, bố trí các nút giao thông nhiều tầng; dành riêng làn cho xe buýt, xe thô sơ. Phải 5-10 năm nữa mới kiềm chế TNGT.

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn.

Trách nhiệm ngành giao thông ở đâu?

Sau phần giải trình của Giám đốc Sở GTVT, đại biểu Lê Bảo Ngân đặt vấn đề: TNGT đã phân tích nguyên nhân khách quan, vậy có nguyên nhân chủ quan không? Đại biểu Tô Tuấn Nghĩa hỏi: cử tri Vĩnh Thạnh phản ánh tình trạng xuống cấp của QL80 gây mất an toàn giao thông, Vĩnh Thạnh tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm tăng so cùng kỳ; cử tri cũng biết là tuyến đường này do Bộ GTVT quản lý; trong khi chờ Bộ GTVT xem xét thì Sở GTVT có giải pháp gì để kéo giảm tai nạn giao thông?

Đại biểu Trần Phú Lộc Thành đặt câu hỏi: Sở đưa ra 2 giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông: Phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt, mục tiêu đến 2020 đạt 5-10% nhưng sở báo cáo mới đạt đến 1%, thời gian không còn dài, giải pháp là gì? TNGT tăng, trách nhiệm của ngành giao thông đến đâu?

Trả lời các vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 73 (năm 2016) của HĐND thành phố tăng cường vận tải hành khách công cộng, Sở đã tham mưu cho thành phố Đề án phát triển giai đoạn 2019-2020, đang lấy ý kiến để trình UBND thành phố phê duyệt trong năm 2019: Triển khai 5 tuyến xe buýt mới không trợ giá, với 135 xe mới và mời gọi nhà đầu tư, đã có nhà đầu tư tiếp xúc với sở về đề án, cuối năm nay sẽ có phương tiện mới thay thế cho xe buýt cũ.

Vấn đề điều tiết các phương tiện tải trọng lớn vào nội ô quận Ninh Kiều, quận hiện có các tuyến QL đi qua, nên tới đây, Sở sẽ tăng cường kiểm soát các phương tiện vào thành phố: trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 kiến nghị đưa vào xây dụng các tuyến vành đai nối QL1 và Nam Sông Hậu để tách xe tải nặng, xe container đi vào nội ô Ninh Kiều. Và đã có biển cấm trên các tuyến đường CMT8, Trần Hưng Đạo, Mậu Thân cấm các phương tiện quá khổ, quá tải không đi vào các tuyến này giờ cao điểm.

Theo ông Dũng, các phương tiện buýt công cộng chỉ mới đáp ứng 1%, tới đây sẽ 5-10%: Từ nay đến cuối năm sẽ xã hội hóa 135 xe buýt mới, xây thêm 101 nhà chờ. Tới sau 2020 mở thêm 5 tuyến xe buýt trợ giá nữa. Với lượng xe buýt này sẽ cơ bản đáp ứng cơ bản 5% so với yêu cầu đề ra, còn 10% thì phải chờ thời gian nữa.

Việc đầu tư xây dựng 4 cầu vượt ở 4 nút giao thông trọng điểm trên địa vàn thành phố vốn lớn, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nên chưa bố trí được. Nên chỉ làm giải pháp tạm thời, phân luồng, làn và tháo dở các vòng xoay nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, nếu không khắc phục sẽ ùn tắc. Sở đã khảo sát và báo cáo với sở, ngành và không có gì thay đổi sẽ xin đăng ký cải tạo 2 nút trước: nút 3/2 -Nguyễn Văn Linh và nút Mậu Thân. Nếu vốn kết dư Dự án 3 còn sẽ trình xin đầu tư 2 nút giao này. Còn 2 nút còn lại sẽ triển khai vào năm 2021-2025.

Đồng thời kiến nghị đẩy nhanh tiến độ một số công trình giao thông trọng điểm. Thanh tra công tác đào tạo cấp phép lái xe. Đề xuất thành phố đầu tư Trung tâm quản lý đô thị, hướng tích hợp giao thông thông minh.

Đại biểu chất vấn ông Dũng.

Đại biểu đặt vấn đề TNGT có nguyên nhân chủ quan không? Ông Dũng cho rằng đã có phân tích đầy đủ trong phần giải trình trước đó.

Song, Chủ tọa kỳ họp- Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Hiểu nhắc nhở Giám đốc Sở GTVT và lưu ý Giám đốc Công an thành phố và các quận, huyện. Chủ tịch HĐND nói: Có nguyên nhân chủ quan hay không? Tôi sẽ kể mấy vấn đề: Lề đường không có chỗ đi do ai? Nếu coi việc chiếm vỉa hè là chuyện bình thường thì không cần nói; dân không có vỉa hè đi thì họ đi xuống lòng đường. Nếu chúng ta vẽ vạch đường mà họ không chấp hành thì vẽ chi cho tốn sơn? Xe đậu bất kỳ chỗ nào cũng được mà không ai nói, phạt. Vậy thì chúng ta không thể đổ cho TNGT do người là xe, ý thức chấp hành của họ kém.

Chủ tịch HĐND thành phố hỏi: Các đồng chí giờ xuống cầu đi bộ bến Ninh Kiều có đi vào được không? Khách sạn có quyền chiếm nguyên con đường này hay sao mà chặn lại giữ xe, ai cho phép chuyện này? Có những việc mình thấy nó vô lý, nhưng quản lý không ai nói đến, như: Đường Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm ai cho phép đậu xe, xe tải đậu rất nhiều? Chuyện này đã vậy mà thấy bình thường sao? Vấn đề vệ sinh môi trường thì ai giải quyết khi các xe này rời đi?. Các khu dân cư xe con nhiều, đậu đầy lòng đường không có chỗ đi. Chủ quan của chúng ra rất nhiều, chứ không phải khách quan không đâu, không có chỗ đi, nên dân đi xuống lòng đường dễ bị tai nạn.

Trả lời chất vấn của Chủ tịch HĐND thành phố, ông Dũng nêu: Sử dụng 1 phần lòng đường, vỉa hè cho đậu xe vào mục đích giao thông, nhưng đảm bảo vỉa hè còn lại phải còn 1,5m. Còn đậu đỗ xe ở đường Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm do Ninh Kiều không có bãi đậu xe, nên UBND có Quyết định 01 cho phép sử dụng một số tuyến đường trên địa bàn quận và giao cho địa phương quản lý, đảm bảo ATGT, vẽ len và đảm bảo vệ sinh. Sở sẽ phối hợp với quận để chấn chỉnh vấn đề này.

Ông Dũng cũng thừa nhận, việc đậu đỗ xe thì phần đường còn lại phải chừa 1 len để lưu thông, nhưng tình trạng lấn hết không chừa đường này có và diễn biến phức tạp, sẽ phối hợp với công an, quận xử lý đảm bảo đúng quy định. Mở chuyên đề lặp lại trật tự ATGT.

Về đầu tư các tuyến QL để giảm TNGT, ông Dũng cho biết Ql80 dài gần 30km, bề rộng mặt đường chỉ 5,5m lưu lượng xe đông, nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT: năm 2019 Bộ GTVT mới bố trí 5 tỷ đồng mở rộng mặt đường, năm 2020 dự kiến bố trí thêm 20 tỷ nữa để mở rộng đường này. Sở sẽ phối hợp với UBND quận Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, công an ra quân lặp lại trật tự ATGT trên tuyến đường này.

Còn đối với xe trộn bê tông, trong thời gian qua, Sở cấp phép cho quá khổ quá tải nhưng chỉ cấp phép ở khung giờ 24 giờ đến 5 giờ sáng để phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn quận. Không cấp phép giờ cao điểm. Sở sẽ kiểm tra để xử lý vấn đề này.

Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ

Đại biểu cũng chất vấn công tác quy hoạch các bến bãi để cho các phương tiện tập kết phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn; thiếu bến bãi đậu đỗ xe, vận chuyển hàng hóa; đường ngập nghẹt; kiểm tra tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích như thế nào?

Đại biểu chất vấn.

Giám đốc Sở GTVT cho biết: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: 2016-2020: Trung ương đầu tư 18.500 tỷ: cầu Vàm Cống, lộ tẻ Rạch Sỏi, QL91, QL1, QL91B, sân bay quốc tế Cần Thơ, các cầu trên QL80… tạo hạ tầng khung cho thành phố. Bên cạnh đó, kế hoạch trung hạn 2016-2020 thành phố cũng dành nguồn lực gần 3.974 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, Dự án nâng cấp đô thị 3 cũng dành gần 2.000 tỷ đồng trong số 7.000 tỷ đồng để đầu tư; các công trình trong dự án 3 có rất nhiều công trình: đường Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, CMT8, đường tỉnh 923, cầu Quang Trung… đầu tư giai đoạn 2016-2020.

Ông Dũng cho biết: Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Kết luận 07 của Bộ Chính trị… thì tới đây sẽ còn đầu tư rất nhiều công trình kết nối các dự án như: hệ thống đường kết nối quận huyện (đường tỉnh 917, 918, 921, 923; các trục vành đai: đường nối QL91, QL1, Nam sông Hậu, các bến bãi đỗ xe…), nhưng thiếu vốn, không cân đối được. Sở đã thấy vấn đề này và đã kiến nghị thành phố tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 đưa một số dự án này đầu tư theo hình thức BT nhưng đang vướng Nghị định về xử lý tài sản công trên đất.

Để đáp ứng hạ tầng đồng bộ, nếu từ nay đến 2020 nếu không kêu gọi được thì sẽ trình UBND thành phố đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Về các bến bãi tập kết vật liệu ở đường Tầm Vu, thành phố đang xây dựng các bờ kè, buộc phải di dời các bến bãi này khỏi các bờ kè. Việc di dời sẽ tập trung di dời vào quy hoạch của thành phố. Sở quy hoạch bến giao giữa sông Cần Thơ với rạch Ba Láng đưa toàn bộ các bãi vật liệu xây dựng này vào đây. Tuy nhiên thời điểm này chưa thực hiện được do chưa có nhà đầu tư.

Giai đoạn 2020-2030 quận Ninh Kiều sẽ quy hoạch 63 bãi đậu xe công cộng, đã đưa vào danh mục xúc tiến đầu tư nhưng chưa có nhà đầu tư. Tới đây, sẽ đưa các bãi đậu xe này vào kế hoạch trung hạn 2021-2025 trình UBND thành phố.

Nhóm Phóng viên

Chia sẻ bài viết