Tham gia hoạt động sáng tác văn chương lâu nay, nhưng “Xứ Đoài mây trắng” lại là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng. Ngay sau khi ra mắt, tác phẩm đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của giới chuyên môn và bạn đọc khi tái hiện sâu sắc về nông thôn Bắc Bộ Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đọc và cảm nhận về cuốn tiểu thuyết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết: Tôi đọc cuốn tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng, lại nhớ đến quê tôi, cũng ở một làng quê nghèo “Kẻ Rủn”, một làng cổ xứ Thanh - làng Thạch Khê, tỉnh Thanh Hóa. Xứ Đoài mây trắng phản ánh rất đậm nét bức tranh sinh động về con người - cảnh vật - mối quan hệ xóm làng những năm đầu thế kỷ 20, người nông dân Viêt Nam bị hai tầng áp bức, bóc lột là thực dân và phong kiến. Nông dân Việt Nam bất khuất, kiên cường, anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, họ càng đoàn kết, gắn bó cùng nhau vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, họ là quân chủ lực của Cách mạng, với lòng tự hào dân tộc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau tạo thành sức mạnh chiến thắng quân thù. Xứ Đoài mây trắng là một tác phẩm rất hay nói về người nông dân Việt Nam trước kia về lòng yêu nước và dựng nước - Người nông dân hiện nay đang tiếp bước con đường cách mạng, họ rất tự hào về giai cấp mình, họ biết ơn sự đấu tranh quên mình của bao người con nông dân đã hiến dâng cho Tổ quốc, cho đất nước nở hoa, kết trái Độc lập - Tự do - Hạnh phúc muôn nhà.
Đánh giá của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng là cảm nhận của tôi khi lật giở những trang tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng. Tác giả sinh năm 1942 tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội và là một đảng viên có 40 năm tuổi Đảng, từng công tác trong ngành lâm nghiệp của tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Trải qua nhiều cương vị công tác, đi tới nhiều miền đất nước, yêu thích và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đã giúp ông có nhiều trải nghiệm về xã hội và nông thôn Việt Nam để đưa vào tác phẩm của mình. Cuốn tiểu thuyết có 34 chương là bức tranh tổng thể về xã hội nông thôn Bắc Bộ, cụ thể ở đây chính là vùng quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, quê hương của ông thời kỳ cận Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở về trước…
Trên nền tảng văn hóa của một làng quê, là câu chuyện của các dòng tộc, dòng họ với sự tiếp nối của vài ba thế hệ. Mạch truyện xòe như nan quạt, vừa xâu chuỗi vào cốt lõi thế hệ gia đình, vừa lan tỏa với chuyện tình làng nghĩa xóm, hội làng, chuyện đi làm thợ xẻ mạn ngược, đi học vẽ, đi phu đồn điền… Ở những chương cuối, cốt truyện trở về những vấn đề xã hội tương đối quy phạm, quen thuộc, báo hiệu bình minh đang ló rạng, xua tan đêm trường của thời phong kiến, thuộc địa.
Một điểm mạnh của tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng chính là khả năng tái hiện tính cách, tâm lý nhân vật và bối cảnh phong tục, tập quán, đời sống làng quê hồi đầu thế kỷ XX. Con người thôn quê cộng sinh trong nếp sống, nếp tâm lý và ứng xử với tất cả sự tốt đẹp và ngô nghê, cổ hủ và láu cá, trong sáng và tăm tối, chân thành đã được thể hiện một cách chân thực, sinh động. Có thể thấy được nhiều trang viết sinh động về gia cảnh đời thường dân quê, cưới hỏi, ốm đau, vay giật; cảnh hội quê, chợ quê, tết quê, chiều quê; cảnh tát nước, đơm cá, gặt lúa, gặp gỡ bậc chức sắc, kỳ lão, phố thị, người Tây… Lại có thể gặp những mối tình chân quê, bình dị, bản năng đầu làng cuối xóm hồi đầu thế kỷ XX, nhưng đã được phân tích, soi tỏ trong tâm thức hiện đại như chuyện ông Quý, chuyện Hai Vệ với Lành… Nét phồn thực nhân tính muôn đời góp phần gia tăng phong vị đời thường và giá trị nhân văn cho tác phẩm.
Mặc dù các nhân vật của cuốn tiểu thuyết chưa định hình thành tuyến, chưa liên kết thành số phận điển hình, nhưng thế mạnh của tiểu thuyết là bối cảnh, không khí, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật. Văn phong linh hoạt, hàm súc, chuyển đoạn nhanh, giàu phong vị điện ảnh. Có thể tìm thấy ở đây số lượng phong phú các từ ngữ gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất thôn quê trước đây, khơi gợi, phản ánh sinh động không gian, môi trường, cuộc sống, tâm tư người nông dân nửa đầu thế kỷ XX.
Nhận xét về cuốn tiểu thuyết, GS, TS Bae Yangsoo, Trưởng khoa Tiếng Việt, Đại học ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc, một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã viết: Tiểu thuyết “Xứ Đoài mây trắng” đã thật sự giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Thiết chế làng, xã đúng là nhân tố làm cho văn hóa Việt Nam mãi trường tồn trước tất cả các cuộc xâm lăng văn hóa trong lịch sử, từ chủ ý đồng hóa của thời Bắc thuộc nghìn năm đến cuộc xâm lược của văn hóa Phương Tây từ thực dân Pháp. Thông qua các xung đột nội tâm ở các nhân vật, Nguyễn Sơn Đỗng đã cho chúng ta thấy ở bên ngoài xã hội Việt Nam thời đó đang xảy ra cuộc đấu tranh cam go chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thì trong mỗi con người cũng là cuộc đấu tranh không kém phần khốc liệt giữa các lề thói phong kiến của Nho giáo quy định trong xã hội như cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy trong hôn nhân, và những khát khao cháy bỏng của người con gái trong tình yêu nam nữ đòi hỏi được thực sự là mình. Ở góc nhìn văn chương về xã hội, Xứ Đoài mây trắng đáng để cho những người nước ngoài như tôi nghiền ngẫm và càng đọc càng cuốn hút...
Có thể nói, Xứ Đoài mây trắng là tiểu thuyết hiếm thấy, có “lối đi riêng” đi vào tâm thức người đọc rất đỗi tự nhiên và đó chính là thành công của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng.
Theo Báo Nhân Dân