Về nhà sau chuyến du lịch Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), chị Nguyễn Thị Tú Quyên (ngụ ấp Cầu Đỏ, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) vội lấy từ trong túi ra chiếc võng chuối khoe với mọi người. Chị nhanh nhẹn tháo chiếc võng vải, thay bằng võng chuối, rồi rủ mọi người nằm cho biết. Sự hào hứng của gia đình chị Quyên khiến tôi cảm nhận được giá trị từ chiếc võng chuối mang thương hiệu Cồn Sơn.
![Ðưa êm võng chuối](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250208/images/T10-a1.webp)
Bà Xiếu và cháu nội Phúc Hân thắt võng chuối tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn”.
Trở về Cần Thơ trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ, tôi tìm về Cồn Sơn để tìm hiểu về chủ nhân làm ra chiếc võng chuối độc đáo ấy. Đó là bà Bàn Thị Xiếu, 79 tuổi, quê Long Mỹ, Hậu Giang, chọn Cồn Sơn sinh sống khi tuổi xế chiều. Thoăn thoắt thắt võng chuối để kịp giao cho khách, bà Xiếu kể cho tôi nghe về nghề này. Nói đúng hơn, đó là bí quyết dân gian, bởi nghề là cách để mưu sinh, còn bà Xiếu thì thắt võng bằng niềm đam mê, bằng ký ức nơi đồng ruộng quê nhà.
Hồi mới chừng 10 tuổi, bà Xiếu đã thấy mẹ thắt võng chuối để đưa trong nhà, bà cũng tò mò học theo. Ngày qua tháng lại, bà Xiếu lấy chồng, sinh con, từ bí quyết của mẹ, bà Xiếu thắt võng chuối cho con nằm ngủ. “Mấy đứa con của tôi, thằng Càng, con Bảy… đều nằm võng chuối từ nhỏ tới lớn. Tôi thắt không đó”, bà Xiếu cười nói, giọng hiền hiền, đầy phúc hậu.
Nguyên liệu để làm võng chuối với bà là 0 đồng, vì những tàu lá chuối khô sẵn ngoài vườn. Bà Xiếu cắt về, rọc bỏ lá, rồi xé (tước) sóng chuối ra từng cọng nhỏ, se thành dây. Đó là nguyên liệu duy nhất để thắt võng. Theo bà Xiếu, khi chọn dây chuối, bà chú ý chọn những lá chuối xiêm chưa trổ buồng vừa khô tới và cắt vào trời nắng, không cắt vào trời mưa, để tránh dây chuối bị bở, mục; và như thế, độ bền võng chuối sẽ lâu hơn. Từ bí quyết đó, bà Xiếu khéo léo xé ra những sợi dây chuối có độ dẻo vừa phải, chắc chắn và bóng, để làm nên chiếc võng đẹp, sáng màu, chắc chắn.
Có nhìn cách bà Xiếu se dây, thắt võng mới thấy được công phu và tài khéo léo của người phụ nữ đang sắp bước qua tuổi 80 nhưng có đến 70 năm kinh nghiệm thắt võng chuối. Để se dây chuối, bà lấy chân giữ chặt đầu dây, đầu còn lại bà dùng hai bàn tay kẹp chặt, se đều tay để những sợi dây chuối bện chặt vào nhau. Ở công đoạn thắt võng, đầu tiên bà đánh đầu võng rồi tùy theo độ lớn của võng mà bà Xiếu gầy mắt võng nhiều hay ít rồi thắt. Mỗi chiếc võng thắt sòng cũng phải mất 10 bữa, nửa tháng, còn nếu công việc nhiều, phải mất cả tháng mới hoàn thành. “Của một đồng công một nén”, nên ai có thấy và nghe bà Xiếu kể chuyện thắt võng, đều thấy với giá mỗi chiếc võng chừng 500.000 đồng, thật “đáng đồng tiền bát gạo”.
Cảm nhận giá trị từ chiếc võng chuối gia truyền, mấy năm nay, chị Lê Thị Bé Bảy, con gái bà Xiếu, đã xây dựng thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi đến với Cồn Sơn. Du khách được coi bà Xiếu chọn dây, thắt võng, được nghe kể về hành trình chiếc võng chuối và giá trị của chiếc võng đưa em trong cuộc đời mỗi người. Đơn giản vậy thôi mà như “chạm” được trái tim du khách.
Chị Nguyễn Thị Tú Quyên, người được nhắc trong đoạn đầu bài viết này, đã kể rằng: “Thấy bà thắt võng, nghe bà kể chuyện đời xưa, giọng hiền khô, tôi muốn rớt nước mắt vì như thấy mẹ, bà ngoại tôi trong hình ảnh ấy. Tôi ấn tượng lắm!”. Chị Lê Thị Bé Bảy chia sẻ thêm rằng, gia đình chị rất vui vì sản phẩm này được nhiều du khách, cả nội địa lẫn quốc tế, đón nhận. Nhiều du khách và cả các cơ sở du lịch, lưu trú cũng đặt mua võng chuối như một sản phẩm đậm chất miền Tây.
Ngày giáp Tết, trong chương trình Sắc xuân miệt vườn tại Bảo tàng TP Cần Thơ, tôi lại gặp bà Xiếu trình diễn thắt võng chuối với sự hào hứng của rất đông du khách, học sinh. Đôi bàn tay gầy guộc của bà Xiếu thoăn thoắt thắt võng khiến nhiều người trầm trồ. Điều đặc biệt hơn, ngồi thắt võng cạnh bên bà là chàng trai khôi ngô, cũng khéo léo không kém. Hỏi ra mới biết, đó là em Lê Nguyễn Phúc Hân, 20 tuổi, cháu nội của bà Xiếu, là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Cần Thơ. Phúc Hân kể, từ nhỏ em đã thấy bà nội thắt võng và vẫn thường nằm võng bà thắt. Lớn lên, Hân xin nội dạy thắt võng và cùng nội giữ bí quyết gia truyền. Phúc Hân cười tươi: “Em học từ từ, mỗi ngày một ít, nay thì cũng khá rành, tuy nhiên không đẹp bằng bà nội làm đâu. Khó nhất là công đoạn thắt gài để gầy mắt võng, nhưng giờ em làm được rồi”.
Hình ảnh hai bà cháu ngồi thắt võng chuối thật ấn tượng giữa không gian trẩy hội xuân tấp nập, rộn ràng. Hai bà cháu vẫn lặng thầm, cần mẫn, miệt mài thắt từng cọng dây chuối để làm nên chiếc võng đưa êm. Đời nối đời, võng chuối kể câu chuyện văn hóa đồng bằng qua bàn tay thơm thảo.